Có rất nhiều lý do bạn nên chọn học ngành này thay vì ngành khác, ngoài các lý do về sở thích, đam mê, … thì một lý do rất quan trọng khác là ngành chăn nuôi có rất nhiều cơ hội việc làm với mức thu nhập cao cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Đặc biệt hiện nay, khi Nhà nước đang dành nhiều ưu tiên để phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao, trong đó chăn nuôi là một trong 2 ngành chủ lực của nông nghiệp, thì nhu cầu nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật cao, được đào tạo bài bản lại càng cấp thiết.

Trong tương lai, ngành Nông nghiệp công nghệ cao theo hướng hiện đại sẽ có sự phối hợp của nhiều ngành, hệ thống được tự động hóa toàn diện, áp dụng những quy trình, mô hình canh tác, chăn nuôi tiên tiến để sản phẩm đạt các tiêu chuẩn quốc tế, hướng xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Để làm được điều này, đòi hỏi phải có lực lượng lao động có kỹ thuật chuyên nghiệp về nông nghiệp.

Theo phân tích nhu cầu lao động đến năm 2020, nguồn nhân lực trong ngành Nông - Lâm - Ngư sẽ thiếu khoảng 3,2 triệu lao động qua đào tạo. Theo thống kê, cả nước chỉ có 13 trường đại học, cao đẳng là có ngành đào tạo về nông nghiệp. Đây là một con số khiêm tốn so với một quốc gia có đến 70% làm Nông nghiệp. Trong đó, nhóm ngành Chăn nuôi dự đoán sẽ thiếu nguồn cung rất lớn, đặc biệt là nguồn nhân lực có trình độ cao về lĩnh vực chăn nuôi, bảo vệ sức khỏe vật nuôi để tạo ra sản phẩm chăn nuôi chất lượng cao cho xã hội. 

Hiện nay, theo thống kê cả nước có 218 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp và 72 công ty sản xuất thuốc thú y đạt tiêu chuẩn GMP để sản xuất thuốc đang hoạt động. Sự gia tăng số lượng, quy mô của các doanh nghiệp, đặc biệt xu hướng sản xuất theo chuỗi khép kín từ thức ăn đến trang trại và thực phẩm đã tạo ra nhu cầu lớn về nhân lực. Bên cạnh các doanh nghiệp thì các cơ quan Nhà nước từ trung ương (như Viện Chăn nuôi, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp...) đến địa phương (như các Sở/Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Trung tâm giống vật nuôi, các Chi cục chăn nuôi-thú y, các Trung tâm khuyến nông của các tỉnh/huyện,...); hoặc các cơ sở chăn nuôi gia súc gia cầm, các khu bảo tồn động vật hoang dã quý hiếm,… hay các trường/cơ sở nghiên cứu, đào tạo về lĩnh vực nông nghiệp đều cần nhân lực thuộc ngành này.

Gần đây có rất nhiều báo đã đưa tin về cơ hội việc làm của ngành chăn nuôi cũng như xu thế lựa chọn vào học ngành chăn nuôi của các thí sinh như báo Tuổi trẻ thủ đô có bài viết “Ngành chăn nuôi thú y “ăn nên làm ra”, báo Giáo dục và Thời đại có bài “Ngành chăn nuôi – Nhiều cơ hội việc làm”, báo 24h có bài “Khối ngành chăn nuôi, thú y “hút” thí sinh”, Hướng nghiệp 24h có bài “Ngành chăn nuôi và thú y – Dễ xin việc nhất trong những năm tới”,….

Các Báo nói về cơ hội việc làm ngành Chăn nuôi

 Theo ghi nhận tại các hội chợ việc làm cho chuyên ngành nông nghiệp có đến 80% doanh nghiệp, nhà tuyển dụng có nhu cầu tuyển dụng lao động tốt nghiệp ngành chăn nuôi. Trên các trang tuyển dụng trực tuyến cũng thường xuyên đăng tải hàng trăm thông tin tuyển dụng kỹ sư ngành chăn nuôi, với mức lương và đãi ngộ hấp dẫn.

 Một số thông tin tuyển dụng sinh viên ngành chăn nuôi của các doanh nghiệp thời gian gần đây

 

 

Không những là một ngành dễ xin việc, Chăn nuôi còn được đánh giá là ngành được trả lương cao so với một số ngành khác. TS. Trần Đức Hạnh – Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Đức Hạnh BMG đã chia sẻ tại ngày hội việc làm rằng “Chăn nuôi thú y đang là ngành “hot” nhất và được trả lương cao nhất. Chúng tôi tuyển một kế toán, trả lương 6-8 triệu đồng là có được người xuất sắc, trong khi đó tuyển một người học Chăn nuôi, Thú y trả lương 20 triệu đồng vẫn bị…bấp bênh” (trích dẫn theo Báo Tuổi trẻ thủ đô).

 Địa chỉ uy tín đào tạo ngành Chăn nuôi

Sau khi đã xác định được ngành học, điều quan trọng nhất là bạn phải tìm được địa chỉ uy tín để theo học ngành mà bạn đã chọn. Trường Đại học Vinh là một trường đại học danh tiếng mà bạn có thể lựa chọn .

Trường Đại học Vinh - một ngôi trường với bề dày 58 năm xây dựng và phát triển, là một trường đại học đa cấp, đa ngành và đa lĩnh vực; là cơ sở giáo dục đại học đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ hàng đầu của khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước. Hiện nay, Trường Đại học Vinh có 4 viện, 11 khoa đào tạo với 54 ngành đào tạo đại học (ngành Chăn nuôi thuộc Viện Nông nghiệp và Tài nguyên); 37 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ và 16 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ với trên 40.000 sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh.

Trường Đại học Vinh – Nơi tạo dựng tương lai cho tuổi trẻ

 

Hiện nay, Trường Đại học Vinh là thành viên của Hiệp hội CDIO quốc tế, Trường đã và đang xây dựng và phát triển chương trình đào tạo tiếp cận CDIO. Vì vậy, học ngành Chăn nuôi tại Đại học Vinh, sinh viên sẽ được đào tạo theo chương trình tiếp cận CDIO (là chương trình đào tạo nhằm mục tiêu đáp ứng nhu cầu của thế giới việc làm trên cơ sở xác định chuẩn đầu ra của ngành đào tạo, từ đó thiết kế chương trình và kế hoạch đào tạo một cách hiệu quả để đạt được chuẩn đầu ra đó). Sinh viên sẽ được trang bị các kiến thức về quy trình chăn nuôi các loài thú nông nghiệp; hiểu biết về di truyền giống, thức ăn dinh dưỡng và kỹ thuật chăn nuôi đối với các loài thú nông nghiệp; hiểu biết nhất định về phòng và trị bệnh gia súc, gia cầm; hiểu biết về thị trường chăn nuôi; vận dụng được các kiến thức đó vào công việc thực tế; có khả năng nghiên cứu và ứng dụng kỹ thuật mới trong nuôi dưỡng động vật nông nghiệp và các loài có giá trị kinh tế cao; có kiến thức về một số ngành liên quan gần như Nuôi trồng thủy sản. Có các kỹ năng kỹ thuật phòng thí nghiệm, di truyền giống, thụ tinh nhân tạo và phân tích thức ăn; Có khả năng tổ chức, quản lí và điều hành các cơ sở chăn nuôi; Có khả năng nghiên cứu và chuyển giao công nghệ chăn nuôi các vật nuôi nông nghiệp ở Việt Nam; Có khả năng tổ chức và thực hiện các khóa đào tạo, tập huấn về lĩnh vực Chăn nuôi; Có khả năng xây dựng và tổ chức thực hiện các dự án chăn nuôi qui mô nhỏ và vừa; …. Ngoài kiến thức chuyên môn, sinh viên còn được chú trọng rèn luyện thêm các kỹ năng mềm cần thiết như: ngoại ngữ, giao tiếp, thuyết trình, làm việc nhóm,...  để đáp ứng các yêu cầu của nghề nghiệp.

Năm 2018, trường Đại học Vinh tuyển sinh ngành Chăn nuôi theo 2 phương thức:

- Phương thức 1: Xét tuyển dựa vào kết quả của kỳ thi THPT quốc gia năm 2018.

- Phương thức 2: Xét tuyển học bạ THPT (Tiêu chí: 1. Tốt nghiệp THPT hoặc tương đương; 2. Tổng điểm các môn theo tổ hợp các môn đăng ký xét tuyển của năm lớp 12 lấy trung bình từ 6.00 điểm trở lên.

            Các  tổ hợp môn xét tuyển: A00, B00 và D01.

 Tài liệu tham khảo:

1.      Báo cáo thường niên ngành hàng thức ăn chăn nuôi Việt Nam năm 2016 và triển vọng 2017. Trung tâm Thông tin Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (AGROINFO).

2.      http://www.cucthuy.gov.vn/Pages/co-so-san-xuat-thuoc-gmp.aspx. Danh sách các cơ sở sản xuất thuốc thú y đạt GMP đến tháng 3 năm 2018.

3.      http://huongnghiep24h.com/tu-van-nghe-nghiep/nganh-chan-nuoi-va-thu-y-de-xin viec-nhat-trong-nhung-nam-toi.html.

4.      https://tuoitrethudo.com.vn/nganh-chan-nuoi-thu-y-an-nen-lam-ra-n32386.html.

5.      http://giaoducthoidai.vn/tieu-diem/nganh-chan-nuoi-nhieu-co-hoi-viec-lam-3388772.html.

6.      http://www.24h.com.vn/giao-duc-du-hoc/khoi-nganh-chan-nuoi-thu-y-hut-thi-sinh-c216a728460.html.

Hoàng Thị Mai, Viện Nông nghiệp và Tài nguyên, trường Đại học Vinh