Trong những năm gần đây, dịch bệnh đang là thách thức lớn nhất đối với phát triển của nuôi trồng thủy sản không chỉ riêng với Việt Nam mà còn là vấn đề của nuôi trồng thủy sản thế giới, đặc biệt là các bệnh do vi khuẩn. Khi cá nuôi bị bệnh nhiễm khuẩn, thuốc kháng sinh dường như là lựa chọn đầu tiên của người nuôi và nó đã góp phần quan trọng đến việc điều trị bệnh có hiệu quả. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc kháng sinh quá nhiều, không đúng chỉ định và không đúng cách cũng đã dẫn đến vấn đề kháng thuốc trong NTTS, làm giảm giá trị thương mại của sản phẩm từ đó dẫn đến nguy cơ mất thị trường do các rào cản chất lượng từ các quốc gia và sự tẩy chay của người tiêu dùng. Để tìm kiếm giải pháp cho thách thức trên, nhiều nghiên cứu gần đây đã hướng đến việc sử dụng kháng sinh nguồn gốc thảo dược trong phòng trị bệnh động vật thủy sản.

       

Nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm khả năng kháng khuẩn của 4 loại dịch ép thảo dược đối với vi khuẩn Aeromonas hydrophila gây bệnh lở loét trên cá lóc đen.Kết quả cho thấy, đường kính vòng kháng khuẩn của dịch ép tỏi, gừng, hẹ, cỏ mực lần lượt là 25,97; 13,07; 11,33 và 9,9 mm. Mặt khác, dịch ép tỏi pha loãng với dung môi: rượu, cồn 95o, nước cất và chloroform với tỷ lệ 1:1 cho thấy không có sự sai khác về khả năng kháng khuẩn của tỏi với rượu, cồn 95o và nước cất, đường kính vòng kháng khuẩn đạt 25,23 - 25,53 mm, trong khi đó chloroform chỉ đạt 9,2 mm. Thử nghiệm cảm nhiễm cá lóc đen với vi khuẩn Aeromonas hydrophila và sử dụng dịch ép tỏi pha loãng tỷ lệ 1:1 với nước, trộn  vào thức ăn lượng 80 ml/kg cho cá Lóc đen ăn thấy có sự phục hồi, tỷ lệ sống đạt 30%.

 

Trương Thành Vinh (Nguồn: http://khoahocvacongnghevietnam.com.vn/epaper/view.php?year=2016&no=20&page=60#)