Từ mấy năm nay, người dân bản Phòng, xã Thạch Giám (Tương Dương) có thêm một nguồn thu nhập đáng kể, giúp không ít hộ gia đình thoát nghèo. Đó là nguồn thu từ sản xuất rau sạch, mô hình hỗ trợ của Uỷ ban kiểm tra Tỉnh ủy phối hợp với Khoa Nông- lâm- ngư (Đại học Vinh).

Trên đường vào bản, chúng tôi gặp từng tốp chị em phụ nữ gùi rau ra chợ Thị trấn Hòa Bình, nét mặt ai cũng hồ hởi, vui vẻ. Dẫn khách ra cánh đồng rau, Trưởng bản Vang Văn Phi cho biết: “Đây là dự án ứng dụng tiến bộ KHCN, xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn được triển khai thực hiện từ tháng 6/2011. Diện tích 2 ha dùng để trồng rau trước đây là vùng đất cằn cỗi, dân bản khai hoang trồng lúa nhưng quanh năm thiếu nước nên hầu hết phải bỏ hoang. Nay thì anh thấy đó, nó đã trở thành vùng chuyên canh rau sạch cho thu nhập cao”. Đang dùng vòi bơm tưới cho các luống rau vừa mới trồng, thấy có khách ghé qua, anh Mạc Văn Núi tạm dừng công việc và vui vẻ trò chuyện: “Gia đình tôi tham gia dự án sản xuất rau sạch ngay từ khi mới triển khai. Hàng ngày, ngoài việc chăm lo sản xuất lương thực và chăn nuôi gia súc, gia cầm, vợ chồng tôi còn tranh thủ chăm bón, thu hoạch rau. Nhờ đó, sau mỗi vụ rau thu về khoảng 8 triệu đồng tiền lãi. Đó là chưa kể việc trồng rau đảm bảo nguồn thực phẩm rau xanh hàng ngày cho gia đình”. Cũng theo lời anh Núi, nhờ tham gia sản xuất rau sạch, không chỉ riêng gia đình anh mà các hộ gia đình ở bản Phòng đều có thêm nguồn thu nhập thường xuyên và ổn định, góp phần cải thiện cuộc sống. Việc tiêu thụ rau sạch lại rất thuận lợi, đem ra chợ chừng nào bán hết chừng ấy, thương hiệu rau sạch bản Phòng đang ngày càng được người tiêu dùng ở Tương Dương khẳng định.

 Mô hình sản xuất rau an toàn ở bản Phòng, xã Thạch Giám (Tương Dương) Ảnh: Tường Anh




Thu nhập mỗi vụ trồng từ 5 đến 10 triệu đồng/hộ

 
 Đến thời điểm hiện nay, dự án áp dụng tiến bộ KHCN, xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn ở bản Phòng đã thu hút 35/165 hộ gia đình tham gia thực hiện, bình quân mỗi hộ được khoán trên dưới 600 m2 để sản xuất sau sạch. Những hộ tham gia dự án được cán bộ khoa Nông- lâm- ngư và Trạm Khuyến nông- khuyến ngư huyện Tương Dương hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc và hỗ trợ các loại giống rau. Tùy vào số diện tích gieo trồng, mỗi vụ rau các hộ thu về từ 5- 10 triệu đồng tiền lãi, giúp giải quyết việc làm và cải thiện cuộc sống. Nhờ đó, góp phần thay đổi bộ mặt kinh tế- xã hội của bản Phòng.       

              Trao đổi với chúng tôi, Thạc sĩ Trần Ngọc Toàn, cán bộ khoa Nông- Lâm- Ngư (ĐH Vinh) cho biết: “Sau khi triển khai dự án sản xuất rau sạch ở bản Phòng, bước đầu chúng tôi đã gặt hái được kết quả và chứng minh được tính hiệu quả cao. Sắp tới chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, khảo sát để nhân rộng mô hình này, giúp bà con nhân dân các huyện miền núi- vùng cao phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo”.

TƯỜNG ANH - Báo Nghệ An

(Nguồn: http://mientaynghean.vn/?x=54/khoa-hoc-cong-nghe/rau-sach-o-ban-phong)