Bạn yêu thích nghiên cứu khoa học? Bạn muốn giúp đỡ người nông dân bớt lam lũ, bấp bênh? Vậy nghề kĩ sư nông nghiệp là một con đường lý tưởng dành cho bạn

 1. Tổng quan về kĩ sư nông nghiệp

Chinh phục khoa học và trực tiếp đưa những thành quả đó vào cuộc sống, vào từng vụ mùa, vào từng bữa ăn hàng ngày của mọi người – đó là niềm kiêu hãnh của người kỹ sư nông nghiệp. Không chỉ là bạn của riêng nhà nông, kĩ sư nông nghiệp còn góp phần đảm bảo cho nhu cầu cơ bản mà vô cùng quan trọng trong cuộc sống của tất cả mọi người – lương thực, thực phẩm. Một ý tưởng đột phá trong nghề, một nghiên cứu ứng dụng hoàn hảo cho khí hậu Việt Nam có thể đem đến tương lai khởi sắc cho người nông dân, sự phát triển thêm bền vững của nền nông nghiệp đất nước.

Nếu trở thành kĩ sư nông nghiệp, bạn có 2 lựa chọn: Kĩ sư Nông học và Kĩ sư chăn nuôi.

Kỹ sư Nông học sẽ nghiên cứu về các loại cây trồng và cuộc sống toàn diện của chúng: từ các yếu tố dinh dưỡng như ánh sáng, nước, nhiệt độ và dưỡng chất… cho đến những đe dọa từ cỏ dại, bệnh, côn trùng… Hiểu đơn giản, kĩ sư Nông học là người tối ưu hiệu quả trồng trọt.

Kỹ sư chăn nuôi lại hướng đến đối tượng quan tâm khác: đó là các loài vật nuôi gia súc, gia cầm… – tìm ra cách chăm sóc, chăn nuôi hàng ngày và cách phối giống sao cho hiệu quả nhất, đem lại năng suất cao nhất, nói cách khác Kĩ sư chăn nuôi lại là người tối ưu hiệu quả chăn nuôi

Là một kĩ sư nông nghiệp, bạn làm việc song song giữa hai nơi phòng thí nghiệm và ruộng đồng hoặc trang trại. Bạn là người nghiên cứu, thử nghiệm, thiết kế các mô hình, xây dựng các phương pháp khoa học và cũng chính bạn đồng hành cùng người nông dân trong thực tế sản xuất.

2. Học kĩ sư nông nghiệp ra làm gì?

Là một kĩ sư nông nghiệp, bạn cần phải làm những công việc sau đây:

  • Chăm sóc cây trồng, vật nuôi thường xuyên.
  • Kiểm tra chất lượng chăm sóc, điều điện sống của chúng hàng ngày, đảm bảo môi trường nuôi dưỡng đạt tiêu chuẩn tốt nhất.
  • Giao phối, lai giống cho cây trồng, vật nuôi, cho ra đời những sản phẩm chất lượng, đảm bảo năng suất.
  • Nắm bắt, cập nhật tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nước và quốc tế, áp dụng vào các giống cây, các giống vật nuôi để đem lại năng suất, lợi nhuận tốt.
  • Nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, tìm ra các phương pháp tối ưu cho trồng trọt và chăn nuôi (lai tạo giống, chế tạo phân bón, thức ăn, xây dựng mô hình các điều kiện lý tưởng…)
  • Gặp gỡ, tư vấn cho bà con nông dân các kiến thức về chăm bón cây trồng, chăn nuôi gia cầm, gia súc.
  • Chỉ đạo, triển khai các dự án nông nghiệp, phổ biến cho người dân tạo việc làm, cải thiện năng suất, chất lượng…

3. Kỹ sư nông nghiệp làm việc ở đâu?

Nếu trở thành kỹ sư ngành nông học hoặc Chăn nuôi, bạn có thể làm việc tại các Trung tâm nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật về nông nghiệp, Viện nghiên cứu về nông nghiệp, Viện sinh học nhiệt đới, các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Trung tâm Khuyến nông, Chi cục hay Trạm Bảo vệ Thực vật, các Trung tâm Giống cây trồng, các nông trường, nông trại, trang trại, các công ty nhà nước hay các liên doanh hoặc tư nhân trong kinh doanh vật tư nông nghiệp (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật).

Ngoài ra, bạn cũng có thể tham gia giảng dạy, nghiên cứu tại các cơ sở đào tạo (trung học, cao đẳng, đại học nông nghiệp) hoặc học tiếp các bậc học thạc sĩ, tiến sĩ chuyên ngành. Hiện nay, nhu cầu tuyển dụng kỹ sư nông học rất lớn từ các công ty (như Công ty Thuốc sát trùng Việt Nam, Công ty C.P, Công ty Hải Nguyên,…), các xí nghiệp hoặc các thương nghiệp hỗn hợp hay các công ty có vốn nước ngoài (như Bayer, Nông Hữu,…) hoặc các trang trại ở khắp mọi miền đất nước.

Là một nhà khoa học về nông nghiệp, hàng ngày bạn tiếp xúc rất nhiều với các loại cây trồng, các loài vật nuôi bởi nhiệm vụ của bạn là chăm sóc chúng, theo dõi “sức khỏe” để chữa bệnh kịp thời cho chúng. Ngoài làm việc trong phòng thí nghiệm ra thì đồng ruộng, các trang trại chăn nuôi cũng chính là nơi làm việc thường xuyên của bạn.

4. Nơi đào tạo kỹ sư nông nghiệp

Khoa Nông Lâm Ngư, Trường Đại học Vinh là một trong những địa chỉ tin cậy cho các bạn.