1. Sự cần thiết triển khai chương trình đạo tạo tiếp cận CDIO ở bộ môn

Trường Đại học Vinh chính thức trở thành thành viên Hiệp hội CDIO quốc tế vào ngày 14/03/2018.Đây là một thành công và là bước tiến quan trọng của Trường Đại học Vinh khi tiếp cận mô hình đào tạo tiên tiến CDIO nhằm nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội và hội nhập quốc tế.Điều này đã khẳng định được tính đúng đắn và hiệu quả của việc áp dụng CDIO giúp nâng cao chất lượng đào tạo và đáp ứng như cầu xã hội và chuẩn mực đào tạo quốc tế.

Theo chủ trương chung của lãnh đạo Nhà trường, dạy học theo hướng tiếp cận CDIO là một điều kiện tiên quyết để Nhà trường đi đúng hướng trong quá trình phát triển theo đúng mục tiêu của mình. Mô hình CDIO đang vận dụng thành công những triết lí, quan điểm, lí thuyết tiến bộ về dạy học: tiếp cận năng lực; đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội; Hướng vào người học; Hướng tới mục tiêu giáo dục (GD) suốt đời; đảm bảo tính dân chủ, nhân văn trong GD; Hoạt động hóa và phát huy tính tự chủ của người học...Việc triển khai phương pháp tiếp cận CDIO ở các trường trên thế giới và ở Việt Nam ngày càng được mở rộng, và thể hiện rất đa dạng.

Đối từng ngành, từng môn học, phương pháp tiếp cận CDIO đã gợi ýnhững luận điểm quan trọng trong đổi mới cách xác định chuẩn đầu ra (CĐR), xây dựng nội dung chương trình và đổi mới phương pháp dạy học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng đáp ứng nhu cầu xã hội. Chương trình đào tạo kỹ sư Nông học là chương trình kỹ thuật đòi hỏi người được đào tạo sau khi tốt nghiệp đảm bảo đủ trình độ nghiệp vụ và chuyên môn nghề nghiệp (lí thuyết và/hoặc thực hành) để áp dụng vào thực tế công việc. Một kỹ sư Nông học cần phải có những năng lực toàn diện theo CDIO có đủ trình độ kĩ thuật nghề nghiệp để phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển đất nước bao gồm tri thức, kĩ năng chuyên môn mà còn phát triển năng lực phương pháp, năng lực xã hội và năng lực cá thể.

Ở góc độ lí luận dạy học, chúng ta tiếp cận CDIO để đề xuất một phương pháp, làm cơ sở lí thuyết cho việc vận dụng linh hoạt các luận điểm cơ bản của CDIO vào thực tiễn đào tạo các ngành nghề của khoa đảm bảo nâng cao được chất lượng dạy học đáp ứng nhu cầu xã hội. Theo chủ trương của Nhà trường, cách làm này không phải là phủ nhận hoàn toàn các phương pháp truyền thống, không phá vỡ cấu trúc hệ thống mà chúng ta sẽ phát triển các thành tố trong cấu trúc đó theo triết lí của phương pháp tiếp cận CDIO và của lí luận dạy học hiện đại, mô tả những thành tố đó một cách cụ thể để có thể vận dụng dễ dàng trong vai trò của một người giảng viên khi thiết kế và thực hiện bài học.

Mô hình giảng dạy theo tiếp cận CDIO phải giúp cho giảng viên tuân thủ các chuẩn mực về thiết kế dạy học và chuyển tải CĐR của chương trình trong từng bài giảng, từng hoạt động dạy học, với quy trình cụ thể đảm bảo việc thực hiện diễn ra thuận lợi, hiệu quả và phù hợp với điều kiện thực tiễn ở nước ta. Nguyên tắc này đòi hỏi toàn thể cán bộ giảng viên phải xem việc tiếp cận CDIO phải là một giải pháp hữu hiệu để nâng cao chất lượng đào tạo. Các giảng viên phải nhìn nhận toàn diện hơn về phương pháp giảng dạy và học tập cũng như cách đánh giá sinh viên.

Việc đào tạo kỹ sư Nông học theo hướng tiếp cận CDIO sẽ gắn kết được cơ sở đào tạo với yêu cầu của người tuyển dụng, từ đó thu hẹp khoảng cách giữa đào tạo của nhà trường và yêu cầu của nhà sử dụng nguồn nhân lực; Giúp người học phát triển toàn diện với các kĩ năng cứng và kĩ năng mềm để nhanh chóng thích ứng với môi trường làm việc luôn thay đổi và thậm chí là đi đầu trong việc thay đổi đó; Giúp môn học và chương trình đào tạo được xây dựng và thiết kế theo một quy trình chuẩn; Các công đoạn quá trình đào tạo có tính liên thông và gắn kết khoa học chặt chẽ…

 

2. Những khó khăn và thuận lợi trong quá trình thực hiện

2.1. Thuận lợi

Toàn trường đang trong giai đoạn đầu triển khai việc xây dựng và phát triển chương trình đào tạo theo CDIO. Nhà trường cũng như các khoa, viện đào tạo đều rất tập trung cho vấn đề này, rất nhiều buổi tập huấn đã được tổ chức như tập huấn xây dựng và phát triển chương trình đào tạo theo tiếp cận CDIO, tập huấn xây dựng chuẩn đầu ra các ngành đào tạo theo CDIO, tập huấn về phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá theo tiếp cận CDIO… Nhiều văn bản được ban hành nhằm giúp cán bộ, giảng viên nắm vững tốt nhất các hiểu biết về CDIO như: Hướng dẫn thiết kế chuẩn đầu ra môn học và đánh giá năng lực của sinh viên dựa trên CĐR theo tiếp cận CDIO, các biểu mẫu về biên soạn đề cương tổng quát, đề cương chi tiết, tóm tắt bài giảng… hướng dẫn biên soạn câu hỏi thi theo hình thức trắc nghiệm online.

Nhà trường đã tạo điều kiện về mặt kinh phí để cán bộ giảng dạy triển khai 75 đề tài nghiên cứu đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá môn học theo tiếp cận CDIO, trong đó bộ môn có 02 đề tài trong giai đoạn 1. Nhà trường cũng đã phê duyệt 04 đề tài cho giai đoạn 2.

Cả cán bộ giảng viên và sinh viên đều có sự hào hứng với phương pháp giảng dạy, học tập mới.

Bộ môn Khoa học cây trồng đã hoàn thành khung chương trình đạo tạo ngành Nông học tiếp cận CDIO với 36 môn học và 125 tín chỉ.Đã hoàn thành chuẩn đầu ra cấp độ 3 và đang tiến hành điều chỉnh, hoàn thiện chuẩn đâu ra môn học và xây dựng đề cương chi tiết môn học.

Năm học 2017 – 2018 bộ môn Khoa học cây trồng đã tổ chức 03 buổi tập huấn về xây dựng đề cương môn học và 11 buổi seminar về xây dựng đề cương tổng quát và đề cương chi tiết môn học. Đây là sự khác biệt lớn so với năm học 2016 – 2017 khi bôn môn chỉ tập trung seminar bằng tiếng anh để nâng cao trình độ tiếng anh cho giảng viên.

Về triển khai giảng dạy môn học tiếp cận CDIO: Trong một năm thực hiện bộ môn chỉ mới giảng dạy 01 học phần cho lớp K58 NLN – MT tại Viện Nông nghiệp và Tài nguyên có số lượng sinh viên ít (36 sinh viên) nên giáo viên dễ dàng bao quát lớp và triển khai các hoạt động, đòi hỏi tất cả sinh viên đều phải có sự tham gia. Đã có một số trường Đại học trong nước đã và đang thực hiện thành công đào tạo theo tiếp cận CDIO, đó là điều kiện để cán bộ có thể học hỏi, tham khảo thêm.

2.2. Khó khăn

Đội ngũ cán bộ giảng dạy còn bỡ ngỡ khi bước đầu thực hiện chương trình giảng dạy tiếp cận CDIO, chưa nhiều giảng viên có hiểu biết về chương trình CDIO. Hơn thế nữa, việc chuyên giao của các đề tài giai đoạn 1 thực sự chưa có hiệu quả.

Học kỳ 1 của khóa 58 bắt đầu ngay sau khi vừa nghiệm thu xong đề tài “Nghiên cứu đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, kiểm tra, đánh giá học phần Nhập môn nhóm ngành Nông lâm ngư – Môi trường” nên thời gian chuẩn bị cho việc giảng dạy dựa trên việc điều chỉnh theo ý kiến hội đồng nghiệm thu là khá gấp rút, đòi hỏi sự nỗ lực lớn của giảng viên.

Hệ thống thông tin, mạng internet tại cơ sở 2 chưa đáp ứng đủ theo yêu cầu dạy và học theo tiếp cận CDIO. Chỉ có 1/36 sinh viên của lớp 58K NLN- MT có máy tính cá nhân, trong khi phòng máy của trường tại cơ sở 2 không đáp ứng được để sinh viên có thể sử dụng cổng thông tin cá nhân trong việc nhận bài giảng, tài liệu, bài tập, thông báo từ giáo viên cũng như tương tác, nộp kết quả bài tập cho giảng viên. Do đó, các kết quả tự học, bài tập, làm việc nhóm sinh viên chủ yếu nộp bản viết tay.

Cả giáo viên và sinh viên đều còn nhiều bỡ ngỡ về dạy và học theo tiếp cận CDIO.

Sinh viên viện Nông nghiệp và Tài nguyên chủ yếu đến từ các vùng nông thôn, miền núi nên còn rụt rè, chưa mạnh dạn, thiếu kỹ năng.Điều này cũng ảnh hưởng nhiều đến việc áp dụng các phương pháp học tập chủ động, các hoạt động nhóm cũng như tương tác giữa giáo viên và sinh viên trên lớp.

Nội dung môn học Nhâp môn nhóm ngành Nông lâm ngư – môi trường bao gồm 2 tín chỉ chung và 1 tín chỉ riêng (theo ngành), liên quan đến nhiều khái niệm, phương pháp, công cụ cũng như các văn bản luật… do đó lượng tài liệu tham khảo tương đối lớn. Cộng với việc thiếu công cụ hỗ trợ học tập thì sinh viên khá vất vả trong việc tham khảo các tài liệu phục vụ cho nội dung bài học.

3. KIẾN NGHỊ VÀ ĐỀ XUẤT

Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ giảng viên hoàn thiện  và giảng dạy các học phần tiếp cận CDIO.

Nâng cấp hệ thống internet và phòng máy tại cơ sở 2 nhằm tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận được nhiều nguồn tài liệu tham khảo và tương tác với giảng viên giảng dạy.

Nguyễn Hữu Hiền - Bộ môn KHCT