Nguyễn Thị Thúy1, Lê Thị Thanh Huyền1, Hoàng Văn Sơn1

1 Viện Nông nghiệp và Tài nguyên - Trường Đại học Vinh

TÓM TẮT           

Cây mật gấu Vernonia amygdalina khá phổ biến và dễ trồng trong tự nhiên. Đây là nguồn nguyên liệu tự nhiên có giá trị để sử dụng làm thuốc trừ sâu sinh học. Lá mật gấu có nhiều cách chế biến khác nhau và khá đơn giản như làm dịch chiết tươi, nấu và ngâm ủ lên men. Các dạng dịch chiết đều có tác dụng phòng trừ khá cao đối với rệp cải hại rau họ hoa thập tự, trong đó dạng lên men cho hiệu quả cao nhất. Trong phòng thí nghiệm, dịch chiết từ lá mật gấu lên men với nồng độ pha dịch chiết/nước từ 1/25 - 1/20 và liều lượng 3ml/hộp đạt hiệu lực phòng trừ rệp cải từ 75,56 - 80,52% sau 5 ngày phun. Trên ruộng cải bẹ xanh với mật độ rệp 130 - 150 con/m2, sử dụng dịch chiết lá mật gấu lên men với nồng độ pha dịch chiết/nước là 1/20, với mức liều lượng 25 - 30ml/m2 đạt hiệu lực phòng trừ từ 69,84 - 74,56% sau 7 ngày phun. Trên ruộng bắp cải với mật độ rệp 110 - 130 con/m2, sử dụng dịch chiết lá mật gấu lên men với nồng độ pha dịch chiết/nước là 1/20, với mức liều lượng 30 - 35ml/m2 đạt hiệu lực phòng trừ từ 71,52 - 73,67% sau 7 ngày phun.

Từ khóa: Cải bẹ xanh, cải bắp, cây mật gấu, rệp cải, rau họ hoa thập tự, thuốc trừ sâu sinh học.

MỞ ĐẦU

Rệp cải Brevicoryne brassicae là một trong các loài gây hại chính và phổ biển trên rau họ hoa thập tự ở Việt Nam. Biện pháp phòng trừ chủ yếu hiện nay là sử dụng thuốc hóa học nhưng hiệu quả không cao, mà còn để lại dư lượng trên nông sản. Để có rau an toàn, thuốc trừ sâu sinh học bằng thảo mộc được xem như một trong những giải pháp hữu ích đang được nhiều nước trên thế giới quan tâm. Ở Việt Nam, cho đến nay có một số công trình nghiên cứu về sử dụng chế phẩm thảo mộc trong phòng trừ sâu hại rau họ hoa thập tự đạt hiệu quả như Nguyễn Duy Trang và cs. (1995), Quách Thị Ngọ (2000), Bùi Lan Anh và cs.(2011),…

Cây mật gấu Vernonia amygdalina còn gọi là cây lá đắng, săm gan, cây bầu đất,… khá phổ biến và rất dễ trồng trong tự nhiên. Các dẫn liệu nghiên cứu trên thế giới cho thấy cây mật gấu có triển vọng trong phòng trừ sâu hại cây trồng (Regina et al., 2014; Mkenda et al., 2015; Paul et al., 2017;…). Trong khi đó, ở Việt Nam cây mật gấu mới chủ yếu được biết đến với rất nhiều công dụng tốt trong việc hỗ trợ điều trị các bệnh lý liên quan đến sức khỏe và có tác dụng làm tăng cường sức đề kháng cho con người; còn hướng sử dụng cây mật gấu làm chế phẩm thảo mộc trừ sâu hại hầu như chưa được nghiên cứu. Xuất phát từ những vấn đề trên, chúng tôi đã tiến hành đánh giá hiệu lực của dịch chiết từ lá mật gấu đối với rệp cải, làm cơ sở dẫn liệu bước đầu để tiến hành các nghiên cứu ứng dụng chế phẩm này vào thực tiễn sản xuất.

NGUYÊN LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP

Nguyên liệu

Đối tượng nghiên cứu: Dịch chiết từ lá cây mật gấu Vernonia amygdalina; Rệp cải Brevicoryne brassicae Linnaeus (Homoptera: Aphididae) thu bắt trên sinh quần ruộng rau họ hoa thập tự tại huyện Nghi Lộc, Nghệ An.

Vật liệu nghiên cứu: Rau họ hoa thập tự (Cải bẹ xanh Brassica juncea và cải bắp Brassica oleracea nhóm Capitata), dấm, rượu, mật, nước rửa chén, nước sạch,...

Dụng cụ: Cân điện tử, hộp nhựa, cối, chày, dao, thớt, cốc đong, vải màn, bình phun thuốc, panh,…

Các nghiên cứu được thực hiện tại phòng thí nghiệm Viện Nông nghiệp và Tài Nguyên, Trường Đại học Vinh.

Phương pháp

Chuẩn bị dịch chiết mật gấu và rệp cải thí nghiệm

Lá mật gấu sau thu hái được rửa sạch, không nhiễm hóa chất và sâu bệnh được sử dụng làm dịch chiết theo 3 dạng.

Dịch chiết tươi: Xay nhỏ (dùng máy xay sinh tố hoặc cối giã nhuyễn) 100g lá mật gấu. Vắt lấy dịch chiết, lọc qua lớp vải màn. Pha dịch chiết với nước theo tỉ lệ thí nghiệm và thêm 0,3% dầu rửa bát rồi đem phun.

Dịch chiết nấu: Cắt nhỏ 100g lá mật gấu, cho vào 0,5 lít nước, đun nhỏ lửa đến sôi. Thời gian nấu khoảng 30 phút tính từ lúc sôi. Sau đó chắt nước ra, cho phần bã lọc qua vải màn để vắt hết phần nước còn lại. Lọc lại dung dịch thu được qua lớp vải màn để hết cặn bã. Pha dịch chiết với nước theo tỉ lệ thí nghiệm và thêm 0,3% dầu rửa bát rồi đem phun.

Dịch chiết lên men: Cắt nhỏ 100g lá mật gấu. Ngâm lá mật gấu với mật, dấm, rượu tương ứng theo tỷ lệ 1:1:1:4. Đậy kín nắp bình để nơi râm mát, tránh ánh nắng trực tiếp trong thời gian khoảng 20 ngày. Lấy dịch chiết, lọc qua lớp vải màn. Pha dịch chiết với nước theo tỉ lệ thí nghiệm và thêm 0,3% dầu rửa bát rồi đem phun.

Rệp cải sau khi thu bắt trên đồng ruộng rau được nuôi trong các hộp nhựa ở nhiệt độ 26±1oC và độ ẩm 75±2%, rồi chọn các cá thể khỏe mạnh làm thí nghiệm.

Bố trí thí nghiệm

Trong phòng thí nghiệm: Các thí nghiệm được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên (CRD) với 3 lần lặp lại, 3 hộp/lần. Hộp nhựa thí nghiệm kích thước10x13x10cm; mỗi hộp có 30 rệp. Điều kiện thí nghiệm ở nhiệt độ 26±1oC, độ ẩm 75±2% RH. Công thức đối chứng phun nước sạch. Theo dõi sau phun 1, 2, 3, 4, 5 ngày.

Thí nghiệm 1. Đánh giá hiệu lực phòng trừ của 3 dạng dịch chiết lá cây mật gấu đối với rệp cải: Gồm 3 công thức là dạng tươi, nấu và ngâm ủ lên men; liều lượng 3ml/hộp; nồng độ pha dịch chiết/nước là 1/20 ml.

Thí nghiệm 2. Đánh giá hiệu lực phòng trừ của dịch chiết lá cây mật gấu dạng lên men đối với rệp cải ở các mức nồng độ phun khác nhau: Gồm 5 công thức nồng độ pha dịch chiết/nước là 1/15, 1/20, 1/25, 1/30, 1/35; liều lượng 3ml/hộp.

Thí nghiệm 3. Đánh giá hiệu lực phòng trừ của dịch chiết lá cây mật gấu dạng lên men đối với rệp cải ở các mức liều lượng phun khác nhau: Gồm 3 công thức liều lượng phun là 1, 3, 5ml/hộp; nồng độ pha dịch chiết/nước là 1/20.

Ngoài đồng ruộng: Các thí nghiệm được bố trí theo khối hoàn toàn ngẫu nhiên (RCB) với 3 lần lặp lại. Diện tích mỗi ô thí nghiệm 3m2; mỗi ô phun 1 lần với nồng độ pha dịch chiết/nước là 1/20; ô đối chứng phun nước. Điều tra mật độ rệp trên ruộng trước và sau khi phun 1, 3, 5, 7 ngày.

Thí nghiệm 4. Đánh giá hiệu lực phòng trừ rệp cải của dịch chiết lá cây mật gấu dạng lên men trên ruộng cải bẹ xanh: Gồm 4 công thức liều lượng phun là 20, 25, 30, 35ml/m2; nồng độ pha dịch chiết/nước là 1/20; mật độ rệp cải trung bình từ 130 - 150 con/m2. 

Thí nghiệm 5. Đánh giá hiệu lực phòng trừ rệp cải của dịch chiết lá cây mật gấu dạng lên men trên ruộng cải bắp: Gồm 4 công thức liều lượng phun là 20, 25, 30, 35ml/m2; nồng độ pha dịch chiết/nước là 1/20; mật độ rệp cải trung bình từ 110 - 130 con/m2. 

Các chỉ tiêu theo dõi xử lý số liệu

Trong phòng thí nghiệm: Hiệu lực chế phẩm tính theo công thức Abbott (1925): K (%) = [(Ca - Ta)/Ca)] x 100

Trong đó: K là hiệu lực của chế phẩm thảo mộc, Ca là số cá thể sống ở công thức đối chứng, Ta là số cá thể sống ở công thức thí nghiệm sau khi xử lý.

Ngoài đồng ruộng: Hiệu lực chế phẩm tính theo công thức Henderson -Tilton: H (%) = [1- (Ta x Cb)/(Tb x Ca)] x 100

Trong đó: H là hiệu lực của chế phẩm, Ta là cá thể sống ở công thức thí nghiệm sau xử lý; Tb là cá thể sống ở công thức thí nghiệm trước xử lý; Ca là cá thế sống ở công thức đối chứng sau xử lý; Cb là cá thể sống ở công thức đối chứng trước xử lý

Thời gian gây chết trung bình (giờ) (Median Lethal Time - LT­50) là thời gian cần thiết để gây chết cho 50% số lượng cá thể trong thí nghiệm.

Số liệu thu thập được xử lý bằng phần mềm IRRISTAT version 5.0

KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN

Hiệu lực phòng trừ rệp cải của dịch chiết từ lá cây mật gấu trong phòng thí nghiệm

Hiệu lực phòng trừ rệp cải của các dạng dịch chiết từ lá cây mật gấu

Từ các nguyên liệu thảo mộc thường có nhiều cách chế biến để tạo ra các dạng chế phẩm. Lá mật gấu cũng được thử nghiệm chế biến theo các cách khác nhau để lấy dịch chiết. Kết quả đánh giá hiệu lực phòng trừ của 3 dạng dịch chiết lá mật gấu đối với rệp cải cho thấy (bảng 1): Cả 3 dạng dịch chiết là tươi, nấu và ngâm ủ lên men đều có khả năng phòng trừ cao đối với rệp cải. Hiệu lực phòng trừ rệp cải tăng dần theo nồng độ và thời gian, đạt cao nhất là dạng dịch chiết lên men là 79,46%, tiếp theo dạng dịch chiết tươi là 71,82% và thấp nhất là dạng dịch chiết nấu chỉ đạt 64,52% sau 5 ngày phun (sai khác có ý nghĩa thống kê ở mức P<0,05).

Hai dạng dịch chiết lên men và dịch chiết tươi tác động lên rệp cải nhanh hơn, sau khi phun khoảng 1 giờ bắt đầu thấy rệp chết, dạng dịch chiết nấu phải sau 3 - 4 giờ rệp mới chết. Số lượng rệp cải chết tập trung nhiều từ ngày thứ 1 đến ngày thứ 3 sau phun. Thời gian gây chết trung bình (LT50) đối với rệp cải cũng có sự sai khác, tác dụng nhanh nhất của dịch chiết lên men là 45,6 giờ; tiếp theo dịch chiết tươi là 45,6 giờ và dịch chiết nấu là 69,6 giờ.

Bảng 1: Hiệu lực phòng trừ rệp cải của 3 dạng dịch chiết từ lá mật gấu

Dạng dịch chiết

lá mật gấu

 

Hiệu lực phòng trừ rệp cải sau thời gian phun (TB) (%)

LT50 (giờ)

1 ngày

2 ngày

3 ngày

4 ngày

5 ngày

Dịch chiết tươi

32,30b

44,67b

58,41b

67,33b

71,82b

57,1b

Dịch chiết nấu

29,02b

40,05b

51,82c

61,67b

64,52c

69,6c

Dịch chiết lên men

38,67a

54,83a

62,18c

76,52a

79,46a

45,6a

LSD­­0,05

4,02

9,21

6,45

8,06

6,83

10,71

CV%

4,80

9,50

10,70

8,40

6,60

14,80

Ghi chú: TB: Trung bình; Nồng đô pha dịch chiết/nước là 1/20, liều lượng phun 3ml/hộp; Các chữ cái là số mũ khác nhau trong cột sai khác có ý nghĩa về mặt thống kê ở mức P<0,05

Hiệu lực phòng trừ rệp cải của dịch chiết lá cây mật gấu dạng lên men ở các mức nồng độ phun khác nhau

Dịch chiết lá cây mật gấu dạng lên men cho hiệu lực phòng trừ rệp cải cao hơn so với dạng dịch chiết tươi và nấu, nên được lựa chọn để tiếp tục nghiên cứu. Thí nghiệm tiến hành với 5 công thức nồng độ pha dịch chiết/nước phun lên rệp cải trong phòng thí nghiệm là 1/35, 1/30, 1/25, 1/20, 1/15 (bảng 2). Khả năng phòng trừ rệp cải của dịch chiết lá mật gấu dạng lên men tăng dần theo chiều tăng của các mức nồng độ thí nghiệm. Trong đó, hiệu lực phòng trừ ở 3 mức nồng độ pha dịch chiết/nước là 1/15, 1/20, 1/25 không có sự sai khác nhau và đạt kết quả cao nhất, tương ứng là 84,23%, 80,52%, 76,54% sau 5 ngày phun. Tuy nhiên, kết quả có sự sai khác so với mức nồng độ 1/30 đạt 66,82% và thấp nhất ở nồng độ 1/35 chỉ đạt 55,67% sau 5 ngày phun (sai khác có ý nghĩa thống kê ở mức P<0,05). Thời gian gây chết trung bình (LT50) của dịch chiết lá mật gấu lên men đối với rệp cải ở 3 mức nồng độ 1/15, 1/20, 1/25 cũng nhanh nhất, chỉ sau 47,5 - 54,2 giờ và có sai khác với hai công thức còn lại là 69,6 giờ và chậm nhất là 90,2 giờ. Như vậy, trong phạm vi thí nghiệm cho thấy việc sử dụng dịch chiết lá cây mật gấu dạng lên men với nồng độ càng tăng thì khả năng gây chết càng cao và nhanh hơn. Mức nồng độ pha dịch chiết/nước thích hợp để phòng trừ rệp cải là từ 1/25 - 1/20.

Bảng 2: Hiệu lực phòng trừ rệp cải ở các mức nồng độ phun dịch chiết từ lá mật gấu lên men

Nồng độ

(Dịch chiết/nước)

Hiệu lực phòng trừ rệp cải sau xử lý (TB) (%)

LT50 (giờ)

1 ngày

2 ngày

3 ngày

4 ngày

5 ngày

1/15

38,67a

50,28a

65,33a

74,78a

84,23a

47,5a

1/20

32,30a

48,33a

60,11a

73,03a

80,52a

52,4a

1/25

29,02ab

44,25ab

58,28ab

70,67a

76,54a

56,2a

1/30

21,33b

38,67b

52,47b

56,33b

66,82b

69,6b

1/35

18,63b

30,54c

41,84c

50,56c

55,67c

90,2c

LSD­­0,05

10,02

7,31

9,45

6,17

9,70

13,75

CV%

7,30

3,10

6,30

9,40

7,60

12,70

Ghi chú: TB: Trung bình; Liều lượng phun 3ml/hộp; Các chữ cái là số mũ khác nhau trong cột sai khác có ý nghĩa về mặt thống kê ở mức P<0,05

Hiệu lực phòng trừ rệp cải của dịch chiết lá cây mật gấu dạng lên men ở các mức liều lượng phun khác nhau

Đánh giá hiệu lực của dịch chiết là mật gấu lên men ở nồng độ pha với nước 1/20 ở 3 mức liều lượng 1, 3, 5ml/hộp. Kết quả được trình bày ở bảng 3 cho thấy: Hiệu lực phòng trừ rệp cải có xu hướng tăng dần theo mức tăng liều lượng phun và có sự sai khác giữa công thức phun 1ml/hộp so với khi phun 3ml và 5ml/hộp. Trong đó, mức liều lượng 3ml và 5ml/hộp có khả năng gây chết nhanh chỉ sau 1 ngày phun và đạt hiệu lực cao từ 75,56 - 81,67% sau 5 ngày phun. Còn mức phun 1ml/hộp hiệu lực chỉ đạt thấp hơn là 59,23% sau 5 ngày phun (sai khác có ý nghĩa thống kê ở mức P<0,05). Thời gian gây chết trung bình (LT50) của dịch chiết lá mật gấu lên men đối với rệp cải ở 2 mức liều lượng 3ml và 5ml/hộp là khá nhanh chỉ cần 48,2 - 56,2 giờ, nhưng có sự sai khác với liều lượng 1ml/hộp đạt được phải sau 70,6 giờ. Như vậy, trong điều kiện thí nghiệm sử dụng dịch chiết lá mật gấu dạng lên men pha với nước ở nồng độ 1/20 và liều lượng 3ml là đảm bảo khả năng phòng trừ rệp cải.

Bảng 3: Hiệu lực phòng trừ rệp cải ở các liều lượng phun dịch chiết từ lá mật gấu lên men

Liều lượng

(ml/hộp)

Hiệu lực phòng trừ rệp cải sau thời gian phun (TB) (%)

LT50 (giờ)

1 ngày

2 ngày

3 ngày

4 ngày

5 ngày

1

27,16b

40,70b

50,56b

56,22b

59,23b

70,6b

3

38,33a

47,67a

61,18a

68,10a

75,56a

56,2a

5

40,54a

51,32a

66,78a

74,33a

81,67a

48,2a

LSD­­0,05

7,16

5,39

10,44

6,17

8,75

10,76

CV%

2,90

6,70

4,50

8,80

7,90

15,30

Ghi chú: TB: Trung bình; Nồng đô pha dịch chiết/nước là 1/20; Các chữ cái là số mũ khác nhau trong cột sai khác có ý nghĩa về mặt thống kê ở mức P<0,05

Hiệu lực phòng trừ rệp cải của dịch chiết từ lá cây mật gấu ngoài đồng ruộng

Rệp cải là đối tượng gây hại chính trên rau cải bẹ và cải bắp tại địa điểm nghiên cứu. Từ kết quả thu được trong phòng thí nghiệm, làm cơ sở bố trí các nghiên cứu về khả năng phòng trừ của dịch chiết lá mật gấu lên men đối với rệp rệp cải gây hại trên ruộng cải bẹ xanh và ruộng cải bắp. Thí nghiệm bố trí với 4 mức liều lượng 20, 25, 30, 35 ml/m2 ở cùng mức nồng độ pha dịch chiết với nước là 1/20.

Hiệu lực phòng trừ rệp cải của dịch chiết lá cây mật gấu dạng lên men trên ruộng cải bẹ xanh

Đánh giá hiệu lực phòng trừ của dịch chiết lá mật gấu lên men đối với rệp cải gây hại trên ruộng cải bẹ xanh, sau 7 ngày theo dõi cho thấy (bảng 4): Trên ruộng cải bẹ, sử dụng dịch chiết lá mật gấu lên men phòng trừ rệp cải cho hiệu lực của khá cao ở cả 3 công thức liều lượng phun từ 25 - 35ml/m2, đạt từ 69,84 - 74,56%; đồng thời có sự sai khác với mức 20ml/m2 khi hiệu lực chỉ đạt 58,33% sau 7 ngày phun (sai khác có ý nghĩa thống kê ở mức P<0,05). Dịch chiết lá mật gấu lên men có tác dụng gây chết khá nhanh cho rệp cải trên đồng ruộng. Ở liều lượng 25 – 35ml/m2 sau 1 ngày phun hiệu lực đạt 38,67 - 43,67% và sau 5 ngày phun thì bắt đầu khống chế được mật độ rệp cải xuống thấp với hiệu lực đạt 63,82 - 70,18%. Như vậy, sử dụng dịch chiết lá mật gấu dạng lên men pha với nước ở nồng độ 1/20 và liều lượng từ 25 - 30ml/m2 là có thể kiểm soát được rệp cải gây hại trên ruộng cải bẹ ở mật độ 130 - 150 con/m2, sau 5 - 7 ngày phun.

Bảng 4: Hiệu lực phòng trừ rệp cải của dịch chiết lá mật gấu lên men trên ruộng cải bẹ xanh                                                                                                                                            

Liều lượng

(ml/m2)

Hiệu lực phòng trừ rệp cải sau thời gian phun (TB) (%)

1 ngày

3 ngày

5 ngày

7 ngày

20

29,73b

46,68b

54,67b

58,33b

25

38,67a

53,52ab

63,82a

69,84a

30

40,54a

59,56a

66,41a

72,33a

35

43,67a

62,73a

70,18a

74,56a

LSD­­0,05

7,22

11,92

8,14

7,82

CV%

12,80

19,10

18,50

11,90

Ghi chú: TB: Trung bình; Nồng đô pha dịch chiết/nước là 1/20; Các chữ cái là số mũ khác nhau trong cột sai khác có ý nghĩa về mặt thống kê ở mức P<0,05

Hiệu lực phòng trừ rệp cải của dịch chiết lá cây mật gấu dạng lên men trên ruộng cải bắp

Trên đồng ruộng cải bắp, thử nghiệm khả năng phòng trừ của dịch chiết lá mật gấu lên men đối với rệp cải được bố trí thí nghiệm tương tự như trên ruộng cải bẹ. Hiệu lực của dịch chiết lá mật gấu lên men tăng dần theo chiều tăng của các mức liều lượng thử nghiệm và thời gian sau phun. Trong đó, hiệu lực phòng trừ ở liều lượng 30 - 35ml/m2 đạt từ 71,52 - 73,67%, cao hơn so với mức liều lượng từ 20 - 25ml/m2 đạt từ 57, 04 - 63,28% sau 7 ngày phun (sai khác có ý nghĩa thống kê ở mức P<0,05). Dịch chiết lá mật gấu lên men cũng có tác dụng gây chết khá nhanh đến rệp cải trên ruộng cải bắp. Ở liều lượng 30 - 35ml/m2 sau 1 ngày phun hiệu lực đạt 35,17 - 38,56%, sau 5 ngày phun thì bắt đầu khống chế được mật độ rệp cải xuống thấp với hiệu lực đạt 65,45 - 67,53%. Kết quả trên cho thấy, sử dụng dịch chiết lá mật gấu dạng lên men pha với nước ở nồng độ 1/20 và liều lượng từ 30 - 35ml/m2 là có thể kiểm soát được rệp cải gây hại trên ruộng cải bắp ở mật độ 110 - 130 con/m2, sau 7 ngày phun (bảng 5).

Bảng 5. Hiệu lực phòng trừ rệp cải của dịch chiết lá mật gấu dạng lên men trên ruộng cải bắp

Liều lượng

(ml/m2)

Hiệu lực phòng trừ rệp cải sau thời gian phun (TB) (%)

1 ngày

3 ngày

5 ngày

7 ngày

20

27,56b

40,18c

51,33b

57,04b

25

33,33ab

52,46b

56,82b

60,28b

30

35,17a

57,91ab

65,45a

71,52a

35

38,56a

63,57a

67,53a

73,67a

LSD­­0,05

6,41

9,92

8,48

7,81

CV%

9,50

15,70

12,80

17,60

Ghi chú: TB: Trung bình; Nồng đô pha dịch chiết/nước là 1/20; Các chữ cái là số mũ khác nhau trong cột sai khác có ý nghĩa về mặt thống kê ở mức P<0,05

KẾT LUẬN

Dịch chiết từ lá cây mật gấu ở cả 3 dạng là tươi, nấu, ngâm ủ lên men đều có khả năng phòng trừ rệp cải Brevicoryne brassicaehiệu quả cao nhất là dạng ngâm ủ lên men. Trong phòng thí nghiệm, sử dụng dịch chiết từ lá mật gấu lên men với nồng độ pha dịch chiết/nước là 1/25 - 1/20, liều lượng 3ml/hộp gồm 30 rệp cải là phòng trừ được rệp cải đạt hiệu lực từ 75,56 - 80,52% sau 5 ngày phun. Ngoài đồng ruộng, dịch chiết từ lá mật gấu lên men với nồng độ pha dịch chiết/nước là 1/20, phun trên rau cải bẹ xanh thì với mật độ rệp cải 130 - 150 con/m2 cần sử dụng mức liều lượng 25-30ml/m2 là có thể đạt hiệu lực phòng trừ từ 69,84 - 74,56%; còn phun trên ruộng cải bắp thì với mật độ rệp cải 110 - 130 con/m2 cần sử dụng mức liều lượng 30 - 35ml/m2 là có thể đạt hiệu lực phòng trừ từ 71,52 - 73,67% sau 7 ngày phun.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Bùi Lan Anh, Nguyễn Thế Hùng, Nguyễn Hữu Thọ (2011) Hiệu lực của dung dịch ngâm lá, hạt xoan Neem và chế phẩm Vineem 1500 EC trong phòng trừ rệp (Brevicoryne brassicae & Myzus Persicae) hại rau cải bắp vụ Đông xuân sớm tại Thái Nguyên. Tạp chí KH&CN, Bộ NN&PTNT 166: 50-54.

Quách Thị Ngọ (2000), Nghiên cứu rệp muội (Homoptera: Aphididae) trên một số cây trồng chính ở đồng bằng Sông Hồng và biện pháp phòng trừ, Luận án tiến sĩ nông nghiệp, Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam.

Nguyễn Duy Trang (1995) Nghiên cứu sử dụng một số cây có hoạt tính độc để làm thuốc trừ sâu ở phía Bắc Việt Nam, Luận án Phó tiến sĩ Khoa học Nông nghiệp, Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam.

Regina W. Mwanauta, Kelvin A. Mtei and Patrick A. Ndakidemi (2014) Prospective Bioactive Compounds from Vernonia amygdalina, Lippia javanica, Dysphania ambrosioides and Tithonia diversifolia in Controlling Legume Insect Pests. Agricultural Sciences 5: 1129-1139.

Paul W.C. Greena, Steven R. Belmainb, Patrick A. Ndakidemic, Iain W. Farrella and Philip C. Stevensona (2017) Insecticidal activity of Tithonia diversifolia and Vernonia amygdalina. Industrial Crops and Products 110: 15-21.

Mkenda P, Mwanauta R, Stevenson PC, Ndakidemi P, Mtei K  and Belmain SR (2015) Extracts from Field Margin Weeds Provide Economically Viable and Environmentally Benign Pest Control Compared to Synthetic Pesticides. PLoS ONE 10 (11).

 

Effects against Brevicoryne brassicae OF LEAF EXTRACT OF Vernonia amygdalina

Nguyen Thi Thuy1[*], Le Thi Thanh Huyen1, Hoang Van Son1

1 Institute of Agricultural and Resource - Vinh University

SUMMARY

Vernonia amygdalina is quite popular and very easy to grow plants in nature. This is a valuable source of natural materials for use as a biological insecticides. Leaves of Vernonia amygdalina had many different processing methods and is quite simply such as fresh extract, cooking extract and fermentation extract. The form of extracts are quite high control effect on the Brevicoryne brassicae damage on cabbage, in which the form of extract fermentation for the highest efficiency. In the laboratory, fermented Vernonia amygdalina leaf extract was concentration of extract/water of 1/25 - 1/20 và dose of 3ml/box with effective results in Brevicoryne brassicae use from 75.56 - 80,52% after 5 days of spraying. In the field of Brassica juncea with density were 130 - 150 Brevicoryne brassicae per m2, fermented extract of Vernonia amygdalina leaves was concentration of extract/water of 1/20 và dose of 25 - 30ml/m2 use, with effective was 69.84 - 74.56% after 7 days of spraying. In the field of Brassica oleracea with density were 110 - 130 Brevicoryne brassicae per m2, fermented extract of Vernonia amygdalina leaves was concentration of extract/water of 1/20 và dose of 30 - 35ml/m2 use, with effective was 71.52 - 73.67 after 7 days of spraying.

Key words: Biological insecticides, Brassica juncea, Brassica oleracea, Brevicoryne brassicae, cabbage, Vernonia amygdalina

 Bài báo đăng tại kỷ yếu Hội nghị khoa học Công nghệ sinh học toàn quốc, 10/2018, tr. 1506 - 1512.