Ngô Thị Mai Vi, Nguyễn Văn Viên

Nghiên cứu về khả năng phòng trừ bệnh đốm đen (Phaeoisariopsis personata) hại lạc bằng dịch chiết lá trầu không (Piper betle L.) cho thấy: Trong điều kiện in vitro, nồng độ dịch chiết 1% có hiệu lực ức chế tốt khả năng nảy mầm của bào tử nấm đốm đen, đạt 80,0% sau 24 giờ và 70,0% sau 48 giờ. Nồng độ dịch chiết 2% có hiệu lực ức chế đạt 100% sau 24 giờ và 94,44% sau 48 giờ. Ở các nồng độ từ 3 – 9%, hiệu lực ức chế đều đạt 100% sau 24 giờ và 48 giờ. Trong điều kiện in vivo, khi phun dịch chiết nồng độ 2%, 3%, 4% trước khi lây bệnh 24 giờ có hiệu lực ức chế tính gây bệnh cao, với số vết bệnh tương ứng là 56,33 vết, 24,11 vết, 20,89 vết và đường kính vết bệnh tương ứng là 2,64 mm, 2,18 mm, 2,27 mm. Trong điều kiện nhà lưới, dích chiết lá trầu không 3% có khả năng ức chế tốt bệnh đốm đen hại lạc. Hiệu lực ức chế bệnh ở 9 tuần sau mọc đạt 64,28% và hiệu lực ức chế bệnh ở 12 tuần sau mọc đạt 70,28%. Ngoài đồng ruộng, sử dụng dịch chiết lá trầu không nồng độ 3% phun phòng (phun khi cây mọc 5 tuần, 6 tuần) và phun trừ (phun khi cây mọc 8 tuần, 9 tuần) có hiệu quả tốt nhất. Ở công thức phun phòng, hiệu lực ức chế bệnh đạt 73,92% và khối lượng quả chắc đạt 14,21 g/cây. Ở công thức phun trừ, hiệu lực ức chế bệnh đạt 71,60% và khối lượng quả chắc đạt 13,95 g/cây. Trong khi đó, ở công thức đối chứng, khối lượng quả chắc/cây chỉ đạt 11,45 gam. Như vậy, dịch chiết lá trầu không có khả năng ức chế tốt nấm gây bệnh đốm đen, hạn chế sự phát triển của bệnh trên đồng ruộng, góp phần nâng cao năng suất, phẩm chất lạc.

File đính kèm: bai_bao_dich_chiet_la_trau_khong.pdf