Nhân lực chất lượng cao được
xem là “chìa khoá” mở ra “cánh cổng” nông nghiệp 4.0, song hiện nay, đây vẫn là
bài toán khó giải với nhiều doanh nghiệp khi cung chưa đáp ứng được cầu. Tại
nhiều diễn đàn, doanh nghiệp “kêu” thừa lao động phổ thông song lại rất thiếu
lao động chất lượng, đã qua đào tạo.
Đoàn công tác trường Đại học Vinh thăm và làm việc tại công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam
Khó tuyển đủ lao động
Công ty Cổ phần chăn
nuôi C.P Việt Nam có trụ sở chính tại Khu Công nghiệp Biên Hoà 2, tỉnh Đồng
Nai. Mấy năm gần đây, trước yêu cầu bức thiết của chuyển đổi công nghệ sản xuất,
công ty thường xuyên tìm về các trường đại học, viện nghiên cứu trong nước để
tuyển dụng lao động, trong đó, Nghệ An là một trong những địa phương được đội
ngũ nhân sự công ty khá ưa thích. Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam có sự
phối hợp khá chặt chẽ với Viện Nông nghiệp và Tài Nguyên (Đại học Vinh) và đơn
vị này cũng là địa chỉ cung cấp nguồn nhân lực khá uy tín, chất lượng cho công
ty bấy lâu nay. Tuy nhiên, “cung” chưa đáp ứng hết nhu cầu tuyển dụng của công
ty vì số lượng sinh viên ra trường hàng năm có hạn.
Tương tự như vậy, tại
ngày hội tuyển dụng vừa diễn ra tháng 5 vừa qua ở Viện Nông nghiệp và Tài
nguyên (Đại học Vinh), dù mong muốn tuyển dụng khoảng 50 kỹ sư nuôi trồng thuỷ
sản, nhưng Công ty TNHH
Grobest Việt Nam chỉ tuyển được 13 người trong số 29 người đến tham gia phỏng vấn.
Nhiều doanh nghiệp khác như Công ty TNHH Uni-President Việt Nam, Công ty Đầu tư
thủy sản Nam Miền Trung, Công ty thủy sản Toàn Cầu, Công ty TNHH thủy sản Thông
Thuận, Công ty giống cây trồng Nông Hữu… đều tổ chức những đợt tuyển dụng quy
mô, nhưng số lượng lao động ứng tuyển và đáp ứng được yêu cầu vẫn chưa được như
mong muốn.
TS. Nguyễn Đình Vinh - Phó Viện trưởng Viện
Nông nghiệp và Tài nguyên chia sẻ, tháng 5 hàng năm, Viện thường nhận được hơn
30 thông báo tuyển dụng từ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp
với khoảng 200 vị trí việc làm, mức lương giao động từ 10 đến 20 triệu đồng/tháng.
Đặc biệt, cuối năm 2017, Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam sang Lào với
hơn 15 doanh nghiệp Việt Nam đang triển khai Dự
án đầu tư phát triển trồng các vùng cây dược liệu, cây ăn quả cận nhiệt đới,
nhiệt đới, chế biến và bảo quản sau thu hoạch tại các vùng Trung và Nam Lào đã
gửi thư công tác về việc phối hợp cung cấp nguồn nhân lực. Theo
đó, nhu cầu tuyển dụng là 1.144 kỹ sư các ngành phục vụ nông
nghiệp công nghệ cao giai đoạn 2017 - 2021. Đáng tiếc là số lượng sinh viên ra trường chưa
đáp ứng đủ số lượng cần tuyển dụng.
Ngày Hội tuyển dụng việc làm tại Viện Nông nghiệp và Tài nguyên - Đại học Vinh
Tâm
lý ly nông và chất lượng nhân lực
Trao đổi với nhiều doanh nghiệp và cơ sở đào tạo,
hầu hết đều trăn trở trước thực tế đáng buồn, đó là một quốc gia khởi phát từ nền
văn minh lúa nước nhưng hiện không nhiều người trẻ chọn nghề nông để khởi nghiệp,
lập nghiệp. Hàng năm, hàng triệu sĩ tử đổ xô vào học các ngành công nghiệp - dịch
vụ - những ngành được xem là “hot”, trong khi tuyển sinh ở các cơ sở đào tạo
ngành nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. TS. Nguyễn Đình Vinh cho biết, qua các đợt
tuyển sinh về tận các địa phương, ông ghi nhận nhiều ý kiến của học sinh và phụ
huynh học sinh rằng đã xuất thân từ nông thôn nên không muốn gắn bó với nông
nghiệp nữa, sợ rằng ra trường làm việc sẽ “chân lấm, tay bùn” cực nhọc. TS Vinh
cho rằng lực cản từ quan niệm này là nguyên nhân chính dẫn đến việc tuyển sinh
các ngành nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, số lượng sinh viên đào tạo ra không
đáp ứng đủ nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp.
Bên cạnh thiếu hụt số lượng thì những băn
khoăn về chất lượng nguồn nhân lực cũng đang là bài toán nan giải. Hiện nay,
theo đánh giá từ các doanh nghiệp, cơ hội việc làm cho lao động ngành nông nghiệp
là không thiếu, nhưng có đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp hay không lại là
chuyện khác. Ông Nguyễn Giang Hoài - Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ
cao Phủ Quỳ cho rằng, lao động chất lượng cao cần chia làm 2 nhóm: nhóm lao động
tay nghề cao và nhóm chuyên gia đầu ngành. Với nhóm lao động tay nghề cao, các
doanh nghiệp thường tin cậy những lao động giàu thâm niên làm việc tại các hợp
tác xã, nông trường, họ thạo việc và có nhiều kỹ năng linh hoạt trong thực tế.
Còn nhóm chuyên gia đầu ngành, doanh nghiệp sẽ “gõ cửa” các nhà nghiên cứu
trong và ngoài nước, mang tính chất cố vấn về các mảng chuyên sâu của ngành
nông nghiệp. Vai trò của 2 nhóm nhân lực nêu trên phản ánh nhu cầu của doanh
nghiệp, song hiện nay, chất lượng một bộ phận sinh viên tốt nghiệp ra trường tại
các cơ sở đào tạo vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu ấy.
Sinh viên Viện Nông nghiệp và Tài nguyên trong đợt thực tập tại Nhà máy sữa TH
Theo ông Trần Quốc Thành - Giám đốc Sở
KH&CN, để từng bước giải bài toán chất lượng, các cơ sở đào tạo cần tăng thời
lượng thực hành cho sinh viên, đầu tư xây dựng và hoàn thiện các trung tâm thực
hành quy mô và cần nhận thức rõ phải gắn lý thuyết và thực hành, gắn đào tạo với
nhu cầu doanh nghiệp. Tiềm năng ngành nông nghiệp công nghệ cao của Nghệ An được
đánh giá là rất dồi dào, vì vậy, ngoài cơ hội làm việc tại doanh nghiệp thì các
cơ sở đào tạo cũng nên đưa vào chương trình giảng dạy chuyên đề khởi nghiệp cho
sinh viên từ năm thứ 2, giúp sinh viên có ý thức tự tạo việc làm cho bản thân bằng
chính ngành nghề đã được học bài bản, nâng sản lượng và giá trị những sản phẩm
nông nghiệp quen thuộc bằng công nghệ cao. TS. Nguyễn Đình Vinh - Phó Viện trưởng
Viện Nông nghiệp và Tài nguyên cũng nhất trí với quan điểm này và cho biết, từ
nhiều năm nay, Viện đã áp dụng phương thức đào tạo học đi đôi với hành, liên kết
với nhiều doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước và tuyển chọn, cử sinh viên
đi thực tập ngay từ năm thứ 2. Đặc biệt, với ngành nông nghiệp, sinh viên của
Viện có nhiều cơ hội thực tập tại Israel - đất nước được đánh giá là có nền
nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao bậc nhất thế giới.
Thời gian tới, để giải bài toán thiếu hụt nhân
lực trong ngành nông nghiệp, cần phải tuyên truyền, thay đổi nhận thức trong cộng
đồng rằng, cũng như mọi ngành nghề khác, ngành nông nghiệp có những vất vả đặc
thù riêng, tuy nhiên với xu hướng ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất như
hiện nay, lao động làm việc trong ngành nghề này sẽ không còn cảnh “con trâu đi
trước, cái cày theo sau” như quan niệm lâu nay về nghề nông. Nông nghiệp là
ngành nghề truyền thống và vẫn là thế mạnh của Nghệ An trong điều kiện hiện
nay, vì thế, lựa chọn và đầu tư nâng cao nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng
và đón đầu những chuyển động của nền nông nghiệp thời 4.0 là điều cần thiết./.
Theo
Văn phòng Tổ chức lao động quốc tế tại Việt Nam, tiến bộ khoa học kỹ thuật
nhanh chóng đang gây ra những thay đổi mạnh mẽ trong lĩnh vực nông nghiệp. Tại
Việt Nam, lao động trong lĩnh vực nông nghiệp đã liên tục giảm trong những
năm qua, từ mức gần 50% trong tổng số lao động năm 2010 đã giảm xuống còn xấp
xỉ 40% năm 2016. Trong tương lai, lao động trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ đối
mặt với những thay đổi lớn. Tỷ lệ lao động kỹ năng thấp, nghề nghiệp cơ bản
trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm khoảng 74%.
|
Cao
Thị Phương Chi – Báo Nghệ An