Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp với khu vực nông thôn chiếm tới 63% dân cư, nông nghiệp chiếm tỷ trọng 13,96% trong GDP. Trải qua 3 năm ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, chúng ta lại càng thấy “phi nông bất ổn” chưa bao giờ là đúng đến vậy, mặc dù nguồn lực đầu tư còn nhiều hạn chế nhưng nông nghiệp đã trở thành trụ đỡ của nền kinh tế trong những giai đoạn khó khăn của đất nước.

Ngày 16/06/2022 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 khẳng định quan điểm “Nông nghiệp là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế”.

Quyết định 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 “Phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050” cũng khẳng định quan điểm phát triển: “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái. Nông nghiệp là lợi thế, nền tảng bền vững của quốc gia”.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, chưa bao giờ ngành Nông nghiệp được ưu tiên, quan tâm và tập trung như bây giờ. Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã chọn nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ làm hướng đi chính và đã đầu tư hàng tỷ USD, đạt được những thành công rõ rệt. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam đang thiếu hụt nhân lực của ngành, đặc biệt là nguồn lực chất lượng cao.

Viện Nông nghiệp và Tài nguyên, trường Đại học Vinh là một cơ sở đào tạo đại học các ngành nông lâm ngư từ năm 2002 cho đến nay. Trải qua hơn 20 năm, nhiều kỹ sư ngành nông lâm ngư đã tốt nghiệp ra trường, công tác, làm việc khắp mọi miền Tổ quốc.

Hội thảo khoa học "Nông nghiệp và Tài nguyên trong xu thế chuyển đổi số" nhân kỷ niệm 20 năm thành lập khoa Nông Lâm Ngư


Viện Nông nghiệp và Tài nguyên vinh dự được nhận Bằng khen của Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An

Ngành kỹ sư Nông học, trường Đại học Vinh

Trường Đại học Vinh đào tạo ngành kỹ sư Nông học từ khóa 43 (năm 2002), thuộc khoa Nông lâm ngư nay là Viện Nông nghiệp và Tài nguyên.

Kỹ sư Nông học là công việc lý tưởng với những bạn yêu thích ngành nông nghiệp và đam mê nghiên cứu khoa học.

Kỹ sư Nông học là người đưa công nghệ vào quá trình trồng trọt nhằm làm giảm đi những gánh nặng cho người nông dân. Do đó, kỹ sư Nông học là những người sẽ tiến hành các nghiên cứu sinh học, hóa học vào các lĩnh vực liên quan để tạo ra các ứng dụng giúp tăng năng suất và hiệu quả cho ngành trồng trọt.

Kỹ sư Nông học được đào tạo một cách bài bản và chuyên sâu, có kiến thức vững chắc về môi trường, công nghệ sinh học, đối phó dịch bệnh, di truyền học, phương pháp chọn tạo giống thực vật, dinh dưỡng học…Do đó, trong quá trình học, các bạn sinh viên sẽ được tiếp nhận những kiến thức chuyên ngành đầy thú vị như cấu trúc thực vật và cách thức giải phẫu, đất đai, côn trùng, dịch bệnh, di truyền…

Đây không phải một ngành học quá khó, không khô khan như nhiều ngành kỹ thuật khác nhưng đòi hỏi người học phải thật chăm chỉ và chịu khó tìm tòi học hỏi.

Sinh viên Nông học tham gia và đạt giải tại các cuộc thi về Sáng tạo khởi nghiệp, Hội nghị SV KCKH cấp Bộ

Nhu cầu nhân lực cao, vị trí việc làm phong phú cho kỹ sư Nông học

Hiện nay, lực lượng lao động trong ngành nông nghiệp chiếm khoảng 30% lực  lượng lao động cả nước, nhưng sinh viên đăng ký học ngành nông nghiệp chiếm chưa đến 2% tổng sinh viên nhập học hàng năm. Theo số liệu thống kê và phân tích về nhu cầu lao động, cho đến năm 2022 Việt Nam sẽ thiếu hơn ba triệu nhân lực qua đào tạo trong nhóm ngành nông – lâm – ngư nghiệp, bao gồm nnh Nông học, Khoa học cây trồng. Hiện nay, nhu cầu nhân lực ngành trồng trọt có trình độ cao ngày càng gia tăng để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của con người trước tác động của biến đổi khí hậu ngày càng sâu sắc, đất canh tác bị thu hẹp dần và dịch bệnh ngày càng phức tạp. Hơn nữa, thế giới đang từng bước tiến tới một nền nông nghiệp an toàn, bền vững và thân thiện với môi trường.

Kỹ sư Nông học sau khi ra trường có thể đảm nhiệm công việc tại các cơ quan nhà nước, các sở ban ngành trong hệ thống nông nghiệp, làm việc tại các trường Đại học, Viện nghiên cứu. Một bộ phận lớn làm việc tại các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp hoặc tự khởi nghiệp bằng việc xây dựng farm sản xuất, mở công ty, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực trồng trọt, kinh doanh nông sản và vật tư nông nghiệp…

Cán bộ, sinh viên ngành Nông học tham quan, học tập thực tế tại Công ty TH

Đối với kỹ sư Nông học trường Đại học Vinh, vào tháng 5 hàng năm các doanh nghiệp về trực tiếp tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp ngành Nông học với số lượng hơn 150 sinh viên/năm. Hiện có rất nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn như: Vingroup, TH Truemilk, Massan, NaFoods Group…đang cần rất nhiều nhân lực trong lĩnh vực này. Cùng với sự phát triển của khoa học và kỹ thuật hiện đại, nước ta đã và đang đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước thì trong thời gian tới nông nghiệp sẽ trở thành là một ngành “hot” và hứa hẹn phát triển vượt trội với những tiềm năng rất lớn. Điều này cũng chỉ ra rằng nhu cầu về lao động chất lượng cao cho ngành nghề này hiện vẫn rất lớn, đòi hỏi tăng cường việc đào tạo để đáp ứng nhu cầu này của xã hội.

Ngày hội việc làm hàng năm - Các doanh nghiệp phỏng vấn tuyển dụng sinh viên tại Viện NN và TN

Cơ hội thực tập thuận lợi cho sinh viên ngành Nông học

Theo chương trình đào tạo, từ năm thứ 3 trở đi sinh viên sẽ tham gia các kỳ thực tập rèn nghề, thực tập tốt nghiệp tại các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp lớn ở Việt Nam như Dalat hasfarm, WinEco, tập đoàn TH… Thông qua các kỳ thực tập là cơ hội để sinh viên rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp, tiếp cận thực tế sản xuất kết hợp với tiến hành các đề tài nghiên cứu. Khi tham gia thực tập tại các doanh nghiệp, sinh viên còn được hỗ trợ kinh phí với mức từ 2.000.000 – 5.000.000 đồng/tháng/sv. Đây cũng là cơ hội được đi tham quan, trải nghiệm của sinh viên.

Sinh viên Nông học tham gia thực tập tại Công ty Dalat hasfarm năm học 2022 - 2023

Nhiều chương trình thực tập sinh nước ngoài cho sinh viên ngành Nông học.

Bên cạnh thị trường việc làm và các kỳ thực tập trong nước, sinh viên ngành Nông học trường Đại học Vinh còn có nhiều cơ hội thực tập sinh tại nước ngoài và tham gia thị trường lao động thế giới. Cụ thể:

Tại Israel: Từ năm 2009 đến nay, trường Đại học Vinh đã có thỏa thuận hợp tác cùng với Công ty Oleco của bộ Nông nghiệp và PTNT cử sinh viên từ hết năm thứ 2 trở đi tham gia chương trình thực tập sinh tại Israel trong vòng 11 tháng. Tham gia chương trình, sinh viên được làm việc và hưởng lương tại các farm nông nghiệp tiên tiến của Israel, được tham gia các lớp học về công nghệ nông nghiệp.

Sinh viên ngành Nông học tham gia thực tập sinh tại Israel

Tại Australia: Ngày 14/2/2018, UBND tỉnh Nghệ An và Bộ phát triển Nhà nước tiểu bang Nam Úc đã ký Ghi nhớ hợp tác nhằm thúc đẩy sự trao đổi, hợp tác trong Giáo dục, Đào tạo nghề; tạo điều kiện thuận lợi cho Nghệ An cử các sinh viên sang học tập tại Nam Úc. Theo sự ủy quyền của tỉnh Nghệ An, trường Đại học Vinh đã phối hợp với Trường TAFESA (bang Nam Úc, Australia) khởi động chương trình Tu nghiệp sinh nhằm phát triển nhân lực cho tỉnh nhà trong các ngành trọng điểm như nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng dân dụng…

Tại Đan Mạch: Thực tập có hưởng lương tại đan Mạch là chương trình của Chính phủ Đan Mạch, cho phép sinh viên các ngành trồng trọt, chế biến thức ăn, chăn nuôi/thú y đến Đan mạch thực tập từ 12 – 18 tháng. Sinh viên được tham gia vào quy trình sản xuất, chăm sóc cây trồng của nền nông nghiệp hiện đại bậc nhất châu Âu.

Bên cạnh đó, sinh viên Nông học sau tốt nghiệp còn có thể tham gia các chương trình thực tập sinh tại hà Lan, Đức, Mỹ trong vòng 1 năm với mức chi phí ban đầu thấp và mức thu nhập cao.

Sinh viên Nông học tham gia thực tập sinh tại Đức

Tham gia thị trường lao động tại nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia trong diện kỹ sư nông nghiệp cũng là lựa chọn của nhiều bạn kỹ sư hiện nay sau khi ra trường. Nhằm hỗ trợ tốt nhất cho người học, trường Đại học Vinh đã có sự liên kết, phối hợp mở các lớp đào tạo tiếng Hàn, Nhật miễn phí cho sinh viên, hỗ trợ thủ tục cho các bạn đăng ký tham gia lao động tại nước ngoài với mức chi phí phù hợp và thuận tiện.

Kỹ sư Nông học tham gia lao động tại Nhật Bản

Có thể thấy rằng hiện nay, cơ hội việc làm với điêu kiện việc làm tốt, thu nhập cao là rất rộng mở cho sinh viên ngành Nông học.

Năm 2023, Viện Nông nghiệp và Tài nguyên, Trường Đại học Vinh tiếp tục tuyển sinh ngành Nông học với các thông tin cụ thể như sau:

Mã ngành: 7620109.

Phương thức xét tuyển:

Thí sinh có thể lựa chọn 1 trong số các phương thức xét tuyển sau:

1. Xét kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023 (Mã 100)

2. Xét kết quả học tập cấp THPT (học bạ) (Mã 200)

3. Xét tuyển thẳng theo quy định của Quy chế tuyển sinh (Mã 301)

4. Xét tuyển theo đề án của trường ĐH Vinh và học sinh dự bị đại học (Mã 303)

5. Sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy do đơn vị khác tổ chức để xét tuyển (Mã 402)

Các tổ hợp môn xét tuyển:

A00: Toán, Vật lý, Hóa học

B00: Toán, Hóa học, Sinh học

D01: Toán, Ngữ văn, tiếng Anh

B08: Toán, Sinh học, tiếng Anh

Thông tin liên hệ:

Bộ môn Khoa học cây trồng, Viện Nông nghiệp và Tài nguyên, trường Đại học Vinh.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hiền – Trưởng bộ môn Khoa học cây trồng

Số điện thoại: 0978.038.777 – Email: hiennh@vinhuni.edu.vn

Số điện thoại (zalo) tư vấn tuyển sinh: 0973.059.838 (cô Thái Thị Ngọc Lam) hoặc 0763.082.168 (cô Cao Thị Thu Dung)