ThS. Cao Giang Nam – Phòng NN&PTNT huyện Qùy Hợp
ThS. Trần Ngọc Toàn – Viện Nông nghiệp và Tài nguyên
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Nghệ An là tỉnh có các giống cam chất lượng được người tiêu dùng ưa chuộng
như Xã Đoài, Vân Du, Valencia và đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và
Công nghệ ) bảo hộ chỉ dẫn địa lý với thương hiệu “Cam Vinh” vào năm 2007. Hiện
nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 4.757 ha cam, với năng suất bình quân đạt 155,19
tạ/ha, sản lượng đạt 32.310 tấn [1].
Cây Cam có giá trị kinh tế cao đã được khẳng định từ lâu
nên đã được tỉnh Nghệ An quy hoạch thành vùng sản xuất tập trung theo quyết định
số 3773/QĐ–UBND ngày 05/8/2016 về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển cây ăn quả
có múi của tỉnh Nghệ An đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030. Ngoài ra tỉnh còn ban
hành một số chủ trương, chính sách, cơ chế để phát triển liên quan đến cây cam
(Quyết định số 3079/QĐ-UBND ngày 7/7/2014 phê duyệt Đề án “Phát triển cây, con
hàng hóa chủ yếu gắn với cơ chế quản lý đất đai, tạo vùng nguyên liệu chế biến
phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm
2020”; Quyết định số 3396/QĐ-UBND ngày 6/8/2015 phê duyệt Quy hoạch phát triển
ngành nông nghiệp tỉnh Nghệ An đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030; Quyết định số
87/2014/QĐ-UBND ngày 17/11/2014 của UBND tỉnh Nghệ An về việc quy định một số
chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh
Nghệ An…..).
Tuy nhiên, nghề trồng cam trên địa bàn tỉnh đang đứng trước những thách thức
không nhỏ như diện tích cây cam tại các địa phương tăng ồ ạt, gây phá vỡ quy hoạch
chung. Nhiều nông dân sử dụng giống trôi nổi tiềm ẩn mầm bệnh cao, việc lạm dụng
thuốc bảo vệ thực vật để sớm thu lợi nhuận đang đặt ra nhiều vấn đề về đầu ra, giá
cả khi cung vượt cầu hay môi trường, dịch bệnh có khả năng gia tăng…
Để tìm ra giải pháp phát triển cây cam trong thời gian tới, cần đánh giá
đúng thực trạng sản xuất cam hiện nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
II. THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN CÂY CAM TRÊN ĐỊA BÀN NGHỆ AN
2.1. Thực trạng về sản xuất cam trên địa bàn tỉnh Nghệ An
2.1.1. Diện tích cây cam trong những
năm gần đây
Do hiệu quả kinh tế cây cam mang lại cao nên trong những năm gần đây diện
tích trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng nhanh. Kết quả thống kê tại Nghệ An
trong 5 năm gần đây 2012-2016 được trình bày trong bảng 1.
Bảng 1. Diện
tích cây cam trên địa bàn tỉnh Nghệ An 5 năm gần đây
Năm
|
Tổng diện tích (ha)
|
Trong đó
|
Diện tích cho sản phẩm (ha)
|
Diện tích trồng mới (ha)
|
2012
|
2.667
|
2.121
|
-
|
2013
|
2.612
|
1.742
|
-
|
2014
|
3.057
|
1.860
|
496
|
2015
|
3.542
|
2.039
|
1.132
|
2016
|
4.757
|
2.082
|
1.215
|
(Nguồn:
Chi cục trồng trọt và BVTV Nghệ An, 2017)
Diện tích trồng cam trên địa bàn tỉnh Nghệ An tăng lên theo từng năm, năm 2012 cả tỉnh chỉ có 2.667 ha, đến năm
2014 đã là 3.057 ha và năm 2016 là 4.757 ha. Trong vòng 5 năm 2012 – 2016, diện
tích cam trên địa bàn tỉnh đã tăng lên 1,79 lần.
Mặc dù tổng diện tích cây cam tăng song diện tích cây cho sản phẩm lại có
xu hướng giảm xuống trong hai năm 2013, 2014 so với năm 2012. Nguyên nhân do
người dân chặt bỏ phần diện tích cam đã già để trồng mới hoặc chuyển đổi mục
đích sử dụng đất. Tuy nhiên, diện tích trồng mới lại tăng vọt từ năm 2014 (chỉ
496 ha) đến năm 2015 là 1.132 ha và năm 2016 là 1.215 ha.
Tính đến tháng 6 năm 2017 toàn tỉnh có 4.829 ha trong
đó huyện Quỳ Hợp có diện tích trồng cam tập trung lớn nhất với 2.628 ha (chiếm
54,42 % diện tích toàn tỉnh.) Các huyện có diện tích trồng cam lớn tiếp đến là Nghĩa
Đàn (697 ha), Thanh Chương (331 ha), Con Cuông (306 ha), Yên Thành (306 ha),
Tân Kỳ (141 ha), Anh Sơn (115 ha) [1]. So với quy hoạch của tỉnh đến năm 2020
là 5.150 ha thì trên địa bàn toàn tỉnh còn thiếu 321 ha. Theo kế hoạch của các
địa phương, nếu trồng đủ diện tích trong năm 2017 thì diện tích cam toàn tỉnh sẽ
đạt 5.349 ha (vượt quy hoạch của tỉnh đến năm 2020 là 199 ha) [1].
2.1.2. Cơ cấu giống cam trong sản
xuất tại tỉnh Nghệ An
Kết quả điều tra (bảng 2) cho thấy trên địa bàn tỉnh
Nghệ An hiện nay có nhiều giống cam khác nhau. Tuy nhiên có 3 giống được trồng
phổ biến hiện nay đó là cam xã Đoài có 2.226 ha, chiếm tỷ lệ 48,44 % diện tích
trồng cam trên địa bàn toàn tỉnh, tiếp đến là cam Vân Du có 1.006,4 ha (chiếm 21,9
%) và cam Valencia (V2) có 715 ha, chiếm 15,56 % diện tích cam
hiện có.
Các giống được trồng ít chiếm tỷ lệ giao động từ 0,39 % đến 3,7 % diện
tích bao gồm giống cam BH, cam Sông Con, cam đường và cam bù. Các giống khác
không phổ biến chiếm tỷ lệ 7,96 % diện tích trong cơ cấu giống trên địa bàn
tỉnh Nghệ An.
Bảng 2. Cơ
cấu giống cam trên địa bàn tỉnh Nghệ An
TT
|
Tên
giống
|
Diện
tích (ha)
|
Cơ cấu
(%)
|
1
|
Xã
Đoài
|
2.226
|
48,44
|
2
|
Vân
Du
|
1.006,4
|
21,90
|
3
|
Valencia
(V2)
|
715
|
15,56
|
4
|
Cam BH
|
170
|
3,70
|
5
|
Sông
Con
|
64
|
1,39
|
6
|
Cam Đường
|
30
|
0,65
|
7
|
Cam Bù
|
18
|
0,39
|
8
|
Giống khác
|
365,6
|
7,96
|
(Nguồn:
Chi cục trồng trọt và BVTV Nghệ An, 2017)
2.1.3. Công tác sản xuất, cung ứng và quản lý giống cam
Trên địa bàn tỉnh hiện nay chỉ có 4 tổ
chức có đăng ký sản xuất, kinh doanh cây giống ăn quả (bảng 3). Tuy nhiên, cho
đến nay, Nghệ An vẫn chưa có chính sách cho việc đăng ký công nhận cây đầu
dòng, nguồn giống, chăm sóc và khai thác, sử dụng.
Một lượng lớn cây giống cam chủ yếu là do các tổ
chức, cá nhân hộ gia đình đảm nhận tự sản xuất cây giống cung cấp cho thị trường.
Tính từ năm 2014, kết quả đăng ký, cấp chứng nhận nguồn giống cây ăn quả chủ lực
trên địa bàn tỉnh là không có.
Bảng 3. Các tổ
chức có giấy phép đăng ký sản xuất, kinh doanh
giống
cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Nghệ An
TT
|
Tên tổ
chức, cá nhân
|
Địa chỉ
|
Quy mô
(cây cam)
|
1
|
Công ty CP cao su Yên
Tĩnh
|
Xã Nghĩa Tân, huyện Nghĩa Đàn
|
80.000
|
2
|
Trung tâm nghiên cứu
CAQ & CCN Phủ Qùy
|
Phường Quang Tiến, thị xã Thái Hòa
|
200.000 – 300.000
|
3
|
Công ty TNHH MTV nông
nghiệp Xuân Thành
|
Xã Minh Hợp, huyện Qùy Hợp
|
15.000 – 20.000
|
4
|
HTX Phùng Huyền
|
Xã Minh Hợp, huyện Qùy Hợp
|
50.000
|
(Nguồn: Sở Nông nghiệp và PTNT Nghệ An, 2017)
Việc lựa chọn cây mẹ sản xuất giống chủ
yếu lấy từ các cây mẹ được trồng trong vườn hộ hoặc hợp tác xã, Nông trường
cam. Các giống cây mẹ này chưa được cấp có thẩm quyền cấp chứng nhận cây đầu
dòng, vườn cây đầu dòng. Ngoài nguồn cung từ các tổ chức, cá nhân trong tỉnh tự
sản xuất thì một số giống cam được đưa từ ngoại tỉnh về bán trong tỉnh mà chưa
kiểm soát được nguồn gốc xuất xứ và chất lượng [1].
2.1.4. Năng suất và sản lượng cam
trên địa bàn tỉnh
Kết quả bảng 4 cho thấy năng suất cam tăng lên theo từng
năm, năm 2012 là 124,17 tạ/ha, đến năm 2014 là 129,84 tạ/ha và đến năm 2016 là
155,19 tạ/ha. Mặc dù năng suất tăng song sản lượng có chiều hướng giảm trong 2
năm 2013 và 2014 so với năm 2012 do diện tích cho sản phẩm của 2 năm này thấp
hơn năm 2012.
Tuy nhiên nếu so sánh trong vòng 5 năm từ 2012 đến 2016 thì trên địa bàn tỉnh
Nghệ An cả sản lượng và năng suất đều tăng lên đáng kể (năng suất tăng 31,02 tạ/ha
và sản lượng tăng 5.973 tấn).
Trong toàn tỉnh, sản lượng cam của huyện Qùy Hợp đạt cao nhất với 14.480 tấn,
chiếm tỷ lệ 44,82 %, tiếp đến là huyện Nghĩa Đàn 4.736 tấn, chiếm tỷ lệ 14,66
%, Yên Thành đạt 3.495 tấn chiếm 10,82 %.
Một số huyện trồng cam có năng suất cao như Yên Thành đạt 192 tạ/ha, Thái
Hòa 180 tạ/ha, Nam Đàn 162,24 tạ/ha, cao hơn năng suất trung bình của tỉnh. Một
số huyện trồng cam có diện tích ít, nhỏ lẻ có năng suất thấp như huyện Tương
Dương đạt 20 tạ/ha, huyện Quỳ Châu 25,5 tạ/ha, các huyện này có diện tích trồng
dưới 10 ha.
Bảng 4. Năng
suất và sản lượng cam trên địa bàn tỉnh Nghệ An 5 năm gần đây
Năm
|
Diện
tích cho sản phẩm (ha)
|
Năng
suất (tạ/ha)
|
Sản
lượng (tấn)
|
2012
|
2.121
|
124,17
|
26.337
|
2013
|
1.742
|
129,44
|
22.549
|
2014
|
1.860
|
129,84
|
24.150
|
2015
|
2.039
|
140,21
|
28.588
|
2016
|
2.082
|
155,19
|
32.310
|
(Nguồn:
Niên giám thống kê Nghệ An, 2017)
2.2. Những tồn tại và thách thức trong sản xuất cam trên
địa bàn tỉnh Nghệ An
Một là công tác sản xuất, cung ứng
và quản lý giống cam có nhiều khó khăn do chưa
kiểm soát được chất lượng nguồn gốc cây giống của các tổ chức, cá nhân sản xuất,
kinh doanh. Hầu hết giống cam bán ra trên thị trường không được dán nhãn hàng
hóa để truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Việc trà trộn giống kém chất lượng vào giống
tốt khó kiểm soát và phân biệt. Công tác kiểm tra, thanh tra về chất lượng nguồn
giống cam còn gặp nhiều khó khăn do chưa lấy mẫu để giám định mẫu sản phẩm cây
giống. Việc kiểm soát các nguồn bệnh từ giống cam rất khó, nhất là bệnh
Greening, vì hiện nay việc sản xuất cây giống đang được lấy từ các cây mẹ trồng
không được cách ly bằng nhà kính, nhà lưới. Hiều biết các văn bản quy định pháp
luật Nhà nước về sản xuất kinh doanh cây giống của tổ chức, cá nhân mua bán và
người tiêu dùng còn hạn chế.
Hai là việc áp dụng quy trình
công nghệ trong sản xuất cam còn hạn chế: Tính đến
nay, trên toàn tỉnh diện tích cây cam trồng đạt chuẩn VietGap là 52 ha (trong đó huyện Quỳ Hợp
có 20 ha, huyện Yên Thành và huyện Nghi Lộc mỗi huyện có 16 ha. Tổng diện tích cam
được tưới nhỏ giọt là 182 ha tập trung tại huyện Nghĩa Đàn và Quỳ Hợp). Kỹ thuật
thâm canh của người sản xuất còn hạn chế, từ khâu trồng, tỉa cành tạo tán, sử dụng
phân bón, thu hoạch, bảo quản… chưa đảm bảo đúng theo yêu cầu kỹ thuật.
Ba là công tác phòng trừ sâu bệnh:
Trên cây cam có nhiều đối tượng gây hại nên công tác
phòng trừ gặp nhiều khó khăn. Để phòng trừ sâu bệnh hại, các tổ chức, hộ gia
đình đã tiến hành nhiều biện pháp, trong đó chủ yếu là sử dụng thuốc BVTV và chất
kích thích, điều hòa sinh trưởng từ 16 - 22 lần/năm, trong đó chất kích thích,
điều hòa sinh trưởng từ 4 - 6 lần/năm; thuốc trừ bệnh 5 - 7 lần/năm; thuốc trừ
sâu 7 - 9 lần/năm. Thực trạng người sản xuất hỗn hợp 2 - 3 loại thuốc cho một lần
phun là phổ biến. Đây là nguy cơ tiềm ẩn các đối tượng gây hại nhờn thuốc,
kháng thuốc, từ đó dễ phát sinh thành dịch liên tục hàng năm mà không theo quy
luật của tự nhiên. Người trồng cam phải tiêu tốn rất nhiều công sức, chi phí
mua thuốc BVTV để phòng trừ dịch hại, làm cho dư lượng hóa chất trong sản phẩm
cam ngày càng tăng, ảnh hưởng đến tâm lý của người tiêu dùng [1].
Bốn là công tác bảo quản, chế biến
và thị trường tiêu thụ: Công tác bảo quản sau thu hoạch
còn yếu, sản phẩm cam bán ra thị trường chủ yếu là cam tươi, thời gian bảo quản
ngắn, chưa có nhà máy chế biến đa dạng hoa quả tươi từ cam quả. Hiện nay, việc
tiêu thụ sản phẩm cam chủ yếu là người dân tự bán hoặc bán cho các tư thương
nên giá cả không ổn định. Sự cạnh tranh về sản phẩm cam của các tỉnh ngày càng
cao.
Năm là việc quy hoạch và thực hiện
quy hoạch: Công tác dự báo còn bất cập, chưa dự báo được
nhu cầu cam quả trong tỉnh, trong nước và thế giới, từ đó có định hướng phát
triển cây cam ổn định cho từng vùng và cả nước. Việc thực hiện quy hoạch thiếu
đồng nhất, phải quy hoạch từ cơ sở sau đó mới đến quy hoạch tổng thể. Việc tổ
chức tuyên truyền, triển khai, kiểm tra, giám sát thực hiện quy hoạch còn yếu.
Sáu là về cơ chế, chính sách:
UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành đề án quy hoạch phát triển cây có múi nhưng vẫn
chưa có chính sách riêng về cây cam. UBND tỉnh chưa có văn bản pháp lý liên
quan quy định ràng buộc về quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của tổ chức, cá
nhân trong sử dụng nhãn hiệu “ Cam Vinh”.
3.3. Giải pháp phát triển cây cam trên địa bàn tỉnh Nghệ An
Hiện nay do cam là
cây có giá trị kinh tế cao, nhu cầu lớn được thị trường ưa chuộng. Do đó diện tích
cam trong tỉnh sẽ không ngừng được mở rộng và phát triển nóng trong thời gian tới.
Chính vì vậy, để đưa Nghệ An trở thành một trong những tỉnh phát triển cam hàng
hóa tập trung có năng suất, chất lượng, đảm bảo thương hiệu và có uy tín trên
thị trường cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó tập trung một số giải
pháp trọng tâm sau:
Thứ nhất, về thực hiện quy hoạch:
Dự kiến năm 2017 diện tích trồng cây cam trên địa bàn tỉnh sẽ vượt quy hoạch của
tỉnh đến năm 2020. Do vậy, cần tăng cường công tác quản lý quy hoạch, tổ chức
kiểm tra, thanh tra việc thực hiện quy hoạch tại các cơ sở nhất là tại cấp xã.
Việc thực hiện quy hoạch nên tập trung vào vùng có điều kiện tự nhiên, đất đai,
hệ thống tưới tiêu phù hợp, thuận lợi cho việc đầu tư công nghệ tiên tiến vào sản
xuất cam để nâng cao năng suất, chất lượng của cam. Gắn quy hoạch trồng cam của
các huyện, xã với quy hoạch chung của toàn tỉnh, không dàn trải mà cần tập
trung thành vùng sản xuất hàng hóa gắn với quy hoạch các cơ sở chế biến sau này.
Thứ hai, về cung ứng và công tác
quản lý giống: Trên cơ sở các giống cam đã có như Cam Xã Đoài,
Vân Du, Velencia…. hàng năm cần tổ chức các cuộc thi sản phẩm cam quả để xác định,
lựa chọn ra giống cam quả có năng suất, chất lượng tốt, đảm bảo sạch bệnh để
xây dựng nguồn gen cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng và cấp chứng chỉ vườn giống
đảm bảo chất lượng theo quy định của Nhà nước. Các vườn giống, cây đầu dòng này
được nhân giống trồng tại các vùng quy hoạch trồng mới.
Nhà nước cần đặt hàng các trường đại học,
các viện và trung tâm nghiên cứu cây ăn quả lai tạo giống mới có nhiều đặc tính
ưu việt như năng suất, chất lượng tốt, khả năng chống chịu với sâu bệnh hại tốt.
Tiến hành trồng thử nghiệm một số giống mới vừa có năng suất cao, chất lượng tốt,
có giống cho thu hoạch sớm hoặc muộn hơn so với các giống đại trà để nâng cao
giá trị của sản phẩm.
Các cơ quan quản lý chuyên ngành cần
tăng cường tổ chức kiểm tra, thanh tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây
ăn quả nói chung và giống cam nói riêng. Kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân
vi phạm các quy định của nhà nước về quản lý chất lượng giống cây ăn quả. Tổ chức
tập huấn, huấn luyện về kỹ thuật nhân giống cho các cơ sở sản xuất giống cây ăn
quả
Trên cơ sở các cơ sở đã được cấp có thẩm
quyền cấp phép sản xuất, kinh doanh cây giống, Nhà nước hỗ trợ đầu tư nâng cấp
nhằm tuyển chọn cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng và cấp giấy chứng nhận để quy
việc sản xuất, kinh doanh vào các đầu mối tập trung, nhằm hạn chế việc sản xuất,
kinh doanh giống cây ăn quả tràn lan như hiện nay. Đồng thời ứng dụng các tiến
bộ khoa học công nghệ vào sản xuất giống cây trồng tạo ra nguồn giống đảm bảo
chất lượng, sạch bệnh để cung cấp ổn định và lâu dài cho thị trường
Thứ ba, về quy trình kỹ thuật:
Trên thực tế các hộ trồng cam ở một số huyện trồng cam tập trung đã nắm được
các kỹ thuật trồng cam tương đối tốt, tuy nhiên kỹ thuật chăm sóc và đầu tư
thâm canh giữa các hộ chưa đồng đều do đó cần tổ chức các đợt tập huấn nâng cao
kỹ thuật cho người dân.
Tổ chức mở rộng sản xuất cam tập trung
theo hướng VietGAP, trong đó cần định hướng ưu tiên canh tác cây cam theo hướng
hữu cơ thân thiện với môi trường. Sử dụng phân hữu cơ sinh học, sử dụng biện
pháp sinh học trong phòng trừ các đối tượng dịch hại trên cây cam.
Đưa cơ giới hóa vào các công đoạn thâm
canh sản xuất cam từ khâu làm đất, làm cỏ, chăm sóc, bón phân để giảm chi phí đầu
tư, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế vườn cam.
Sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt trong
sản xuất cam vừa đảm bảo tiết kiệm nguồn nước, tiết kiệm phân bón, tiết kiệm
ngày công tưới, vừa cung cấp đủ nước cho cây trồng đồng thời cung cấp dinh dưỡng
hợp lý cho cây cam và phòng chống được các loài dịch hại.
Tổ chức xây dựng các nhà máy bảo quản,
chế biến quả tươi tại vùng trồng tập trung cây cam ở Phủ Qùy nhằm ghóp phần chủ
động giải quyết đầu ra sản phẩm cho người nông dân.
Thứ tư, về phòng trừ sâu bệnh: Sử
dụng biện pháp quản lý dịch tổng hợp trên cây cam, trong đó ưu tiên sử dụng các
loại thuốc sinh học để phòng trừ. Hạn chế việc sử dụng thuốc hóa học trong
phòng trừ sâu bệnh hại cây cam. Trường hợp phải sử dụng thuốc hóa học để phòng
trừ dịch hại thì phải tuân thủ nguyên tắc 4 đúng, đảm bảo thời gian cách ly an
toàn và không còn tồn dư hóa chất thuốc BVTV trên cam quả. Có thể trồng xen cây cam với một số
cây ăn quả và cây nông nghiệp khác.
Thứ năm, về thị trường và quảng
bá thương hiệu: Tổ chức xây dựng mối liên kết chặt chẽ để tạo
thành chuỗi sản phẩm cam quả từ các nông hộ, hợp tác xã, công ty sản xuất cam đến
các doanh nghiệp tiêu thụ cam tạo ra sản phẩm cam quả tiêu thụ với giá cả ổn định,
lâu dài, bền vững.
Mặc dù Nghệ An đã có thương hiệu “Cam
Vinh” nổi tiếng nhưng đây có thể nói là nhãn hiệu tập thể. Vì vậy UBND tỉnh cần
ban hành quy định để các công ty hộ gia đình cần ký cam kết để dán nhãn hiệu
cam quả “Cam Vinh” nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo chất lượng không để các
loại cam quả kém chất lượng trên thị trường trà trộn làm ảnh hưởn đến uy tín
thương hiệu của “Cam Vinh”.
Hàng năm cần tổ chức các cuộc thi, hội
chợ hoa quả tìm ra sản phẩm cam chất lượng nhằm quảng bá, giới thiệu thương hiệu
“Cam Vinh” trên các phương tiện thông tin đại chúng cho các khách hàng trong và
ngoài tỉnh, tiến tới sản phẩm “Cam Vinh” được xuất khẩu sang thị trường các nước
trong khu vực và Quốc tế.
Thứ sáu, công tác tuyên truyền: Tăng
cường công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi cho nhân dân biết để nâng cao kiến
thức, năng lực trong việc phát triển cây cam, trong đó:
Công khai công tác quy hoạch phát triển
cây cam của tỉnh, của huyện để nhân dân biết và thực hiện đúng quy hoạch, không
trồng cam ngoài vùng quy hoạch.
Các văn bản quy phạm pháp luật của nhà
nước về quản lý giống cây trồng nói chung và giống cây ăn quả nói riêng để các
tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống cây trồng nông nghiệp và người sản
xuất nắm bắt và tuân thủ các quy định của nhà nước.
Tập huấn, huấn luyện phổ biến quy
trình kỹ thuật sản xuất cam từ sản xuất giống, làm đất, trồng, chăm sóc, phòng
trừ sâu bệnh, thu hoạch cam.
Tuyên truyền, định hướng người dân nhằm hạn chế
việc trồng tràn lan, vượt quy hoạch làm cho chi phí đầu tư cao, năng suất, chất
lượng thấp, có thể gây khủng hoảng thừa, cam rớt giá, gây tổn thất và lãng phí
lớn cho người dân và xã hội, nhà nước. Nâng cao nhận thức của người dân trong sản
xuất cam đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Thứ bảy, về cơ chế, chính sách: Tiếp
tục thực hiện một số chính sách của chính phủ về phát triển nông nghiệp trong
đó có cây ăn quả. Tỉnh Nghệ An
cần ban hành chính sách về phát triển cây cam, ngoài quy hoạch cần có quy định
về phát triển và bảo vệ thương hiệu “Cam Vinh” và các chính sách khác hỗ trợ
khuyến khích các cơ sở sản xuất giống và kinh doanh trồng cam có ứng dụng công
nghệ tiên tiến vào sản xuất. Ngoài ra, đối với các huyện có vùng trồng cam tập
trung cần hỗ trợ thêm để phát triển cây cam trên địa bàn nhằm đem lại hiệu quả
kinh tế cho địa phương và người dân.
Một số hình ảnh cây cam Vinh: