Dân gian ta có câu: "Nhất sỹ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sỹ", rồi "hết tiền, hết gạo, hết ông tôi"... để nói lên vai trò của lương thực quan trọng như thế nào. Đó luôn là nỗi lo từ lúc con người biết kiếm ăn trong tự nhiên và sẽ tiếp tục cho đến khi trái đất này hết tồn tại.

Thế mà hôm nay, trên thế giới vẫn còn hơn 1 tỷ người lên giường với cái bụng rỗng như nhiều người Việt Nam chúng ta từng chịu hơn nửa thế kỷ trước. Có tới 70% trong số đó là phụ nữ vì thói quen cam chịu, nhường cơm xẻ áo cho chồng con. Mỗi phút có 170 người trên trái đất biến thành nghèo kiệt quệ. Hàng năm trên thế giới, khoảng 3,7 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị chết do đói nghèo, ăn uống không đủ chất dinh dưỡng.

Rất có thể trong gần 90 triệu người Việt trong thời nay, vẫn còn vài triệu đứa bé không ngủ được chúng ta thuở bé thơ, dù đất nước đã có thu nhập bình quân gần 1300$/người/năm.

Mấy tuần trước (16-17/4/2011), tại trụ sở của IMF và Ngân hàng Thế giới, các đại biểu từ khắp thế giới về dự cuộc họp thường niên mùa Xuân (Spring meeting). Đập vào mắt là khẩu hiệu "Put Food First - Ưu tiên số 1 cho lương thực".

Cả thế giới đang lo về lương thực. Xung đột khu vực, chạy đua vũ khí hay thảm họa thiên nhiên không phải là mối quan tâm của những nhà chiến lược phát triển quốc tế.

Ông Bob Zoelick, Chủ tịch WB nói, nếu còn tồn tại những bà mẹ mang thai, những đứa trẻ sinh ra bị đói rét hành hạ lúc lên giường vào buổi tối thì nhân loại sẽ mất đi vài thế hệ trong tươg lai. Đói khổ thì khó mà xây dựng được một xã hội lành mạnh.

Mấy tháng nay thế giới đang bị chiến tranh cục bộ đe dọa, giá dầu tăng, thảm họa thiên tai khủng khiếp ở Nhật Bản. Như thêm vào nỗi đau nhân thế, giá lương thực, thực phẩm tăng vọt, gần tương đương với vụ khủng hoảng lương thực năm 2008.

Theo tính toán của WB, giá thực phẩm thế giới chỉ tăng nhẹ 10% đã kéo theo khoảng 10 triệu người quay về dưới mức nghèo khổ (1.25$/ngày).

Nếu tăng lên 30% sẽ tương đương với 34 triệu người rơi xuống đáy nghèo. Mà theo ước tính, trên thế giới có khoảng 1,2 tỷ người nghèo sống với 1,25$/ngày. Chả lẽ cứ ngồi nhìn đội quân nghèo ngày một đông thêm.

 

 

Trong vòng 4 thập kỷ nữa, dân số thế giới vào khoảng 9 tỷ người. Nhiều người sẽ giầu hơn và nhu cầu về lương thực, thực phẩm sẽ tăng cao, kể cả số lượng và chất lượng. Số người vượt qua ngưỡng nghèo cũng tăng dần và họ cần ăn uống theo kiểu của người có tiền.

Trong một cuộc họp về lương thực thế giới, có một quan chức từ một nước nghèo đã đùa- nhưng chứa đựng một phần sự thật rằng- các nước phát triển là nguyên nhân gây ra nạn thiếu lương thực. Ngày xưa chúng ta nghèo, ngày ăn 1 bữa. Nay do là cố vấn của các vị, rồi cho vay tiền phát triển, hàng trăm triệu người vượt qua ngưỡng nghèo lại muốn ăn ngày 3 bữa, chất lượng cao hơn, nhiều thịt cá hơn. Thiếu lương thực là vì người nghèo đang giàu lên. Một nghịch lý về lương thực của thời đại.

Đến Timor Leste sau chiến tranh, vào cửa hàng thực phẩm, thấy quảng cáo về thức ăn giàu dinh dưỡng, giầu đạm và chất béo, giúp tăng cân. Thực phẩm bán bên các nước giàu, quảng cáo ngược lại: Không đường, không béo, không tăng cân!

Không ít người chết vì ăn nhiều quá trong khi hàng triệu người khác chết đói. Đó cũng là một nghịch lý khác trong hội nhập.

Tại những quốc gia chuyên sản xuất lương thực thì sự cạnh tranh về đất trồng trọt, nước tưới tiêu và năng lượng sẽ khốc liệt hơn trong bối cảnh nước nào, ngành nào cũng muốn vươn lên bằng mọi giá, trong đó phải kể đến công nghiệp hóa, hiện đại hóa, một thứ khẩu hiệu "phá tan" nền nông nghiệp của muôn đời. Chưa kể đến những hệ lụy về văn hóa, lịch sử và thậm chí cả biến động chính trị ngoài ý muốn.

Chỉ cần vài cái đập thủy điện trên sông Mekong cũng đủ làm cho vựa lúa đồng bằng Nam Bộ biến thành khu đất nhiễm mặn, mấy chục triệu người bị ảnh hưởng. Nước bạn có chiến lược phát triển của riêng mình. Sự ảnh hưởng về mặt ngoại giao ít khi tác động đến mối lợi kinh tế.

Những dự án sân golf, những thành phố mọc lên, nhà máy, khu công nghiệp mới được hình thành sẽ chiếm dần đất trồng trọt. Trái đất ấm dần lên kéo theo lũ lụt, hạn hán, thiên tai, cuốn trôi hàng chục triệu tấn lương thực mỗi năm. Biến đổi khí hậu làm cho đất nông nghiệp bị thu hẹp dần, ảnh hưởng tới những nước xuất khẩu lương thực và kéo theo bao hệ lụy.

Trong gần nửa thế kỷ nữa, đất nông nghiệp của Việt Nam và sản lượng lương thực có thể giảm đi một nửa do nước mặn dâng cao hàng mét ở châu thổ sông Mekong, trong lúc đó dân số tăng lên gấp rưỡi.

Việt Nam có giấc mơ công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong lúc 70% dân số làm nông nghiệp và phần trí thức còn lại cũng khá đông xuất thân từ nông dân. Để tiến tới xã hội kinh tế tri thức và có thể xuất khẩu chất xám phải mất hàng thế kỷ. Tại sao chúng ta không làm ngược là hãy đi từ hiện đại hóa nền nông nghiệp?

Bộ Nông nghiệp của Úc có tên viết tắt là DPI (Department of Primary Industry) – có nghĩa là Bộ Công nghiệp hóa đầu tiên (hay trước hết). Nước Úc cũng có chiến lược công nghiệp hóa đất nước để đi lên trong tiến trình xây dựng và phát triển đất nước. ước Úc cũng là nước đi lên từ Nông nghiệp, vì vậy họ đã xác định muốn phát triển, muốn công nghiệp hóa thì lĩnh vực Nông nghiệp phải được công nghiệp hóa đầu tiên!

Khủng hoảng lương thực vừa là thách thức vừa là cơ hội. Đây là thời điểm mà Việt Nam với 70% là nông nghiệp, nước thứ 3 trên thế giới về xuất khẩu gạo, trở thành "nhất nông nhì sỹ", vì thế giới đang thiếu thứ mà Việt Nam có thể làm ra được và làm ra rất nhiều.

Đổi mới năm 1986 đã chứng minh, đầu tư đúng mức đã giúp Việt Nam từ một nước chuyên nhập khẩu lương thực cứu đói thành một trong những quốc gia đứng đầu về xuất khẩu gạo. Chính sách đúng đắn cho nông nghiệp đã giúp cho nhà nông lên ngôi.

Thử tìm xem ngành nào xuất khẩu được nhiều hơn nông nghiệp, thủy hải sản mà tiền đầu tư của Nhà nước bỏ ra quá ít ỏi. Có nên so với sân golf, Vinashin "Titanic", rồi những doanh nghiệp "anh cả" của nền kinh tế mà nghe tên là biết lỗ nặng- từ vài trăm tỷ đến hàng chục ngàn tỷ.

Trong khi đó, nông dân cần được đào tạo bài bản về cung cách làm ăn mới trong sản xuất nông nghiệp, nắm vững về thời tiết, biến đổi khí hậu, biết lên kế hoạch trồng gì, nuôi gì một cách khoa học, kể cả bảo vệ môi trường, giúp tăng trưởng bền vững. Có một ai dám nghĩ nông nghiệp là anh cả của nền kinh tế hay chưa?

Người ta tính rằng, đến năm 2050 thì sản lượng lương thực cần tăng 70% mới đủ cung cấp cho 9 tỷ người trên hành tinh khi đó. Trong lúc ấy, người tăng, đất giảm, nếu không có chiến lược cụ thể về nông nghiệp thì nhiều quốc gia sẽ rơi vào thảm họa thiếu lương thực.

Biến nguy nan thành cơ hội nếu ta biết coi trọng nông nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn ngay từ bây giờ. Đất nước có cơ hội cất cánh trong lúc cả thế giới lâm nạn về thức ăn, bớt đi những thảm họa Titanic làm đất nước chìm đắm trong nợ nần.

Đã đến lúc ta nên học người Bangladesh có chiến lược sống chung với thiên tai. Vì nếu không có chiến lược ngay từ bây giờ về nông nghiêp, an ninh lương thực, an ninh đất trồng trọt, an ninh nguồn nước, tầm nhìn về biến đổi khí hậu, thì vào năm 2050, rất có thể những đứa con của chúng ta sẽ phải dậy nửa đêm tìm khoai sống cho các con vì chúng đang khóc vì đói như ông cha chúng ta đã từng làm trước đó 1 thế kỷ.

                                                                           PGS.TS. Nguyễn Kim Đường