Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Đảng và Nhà nước luôn đặt
vấn đề nông nghiệp, nông thôn lên vị trí hàng đầu và dành nhiều chính sách
khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực này. Trong đó, khơi thông nguồn vốn đầu tư
công vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn là một trong những nhiệm vụ cấp thiết
đặt ra.
1. Thực trạng đầu tư công trong lĩnh
vực nông nghiệp Việt Nam
Trong những năm qua, tình hình
kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn với tốc độ tăng trưởng kinh tế có xu hướng
chậm lại và dấu hiệu phục hồi chưa khởi sắc. Giai đoạn trước năm 2007, tăng
trưởng kinh tế Việt Nam ở mức cao nhưng từ năm 2008 đến nay đã giảm dần (dù có
tăng trở lại trong năm 2015 nhưng vẫn chưa có sự đột phá).
Trong lĩnh vực nông nghiệp,
tốc độ tăng trưởng ở mức thấp và có xu hướng giảm. Bên cạnh những tác động của
yếu tố tự nhiên, điều kiện về cơ sở vật chất, khoa học công nghệ, vốn trong
lĩnh vực này vẫn còn hạn chế.
Thực tế cho thấy, tăng trưởng
kinh tế gắn liền với sự gia tăng vốn đầu tư, thể hiện qua tỷ lệ đầu tư so với
GDP trung bình tăng. Trong đó, vốn đầu tư công của Nhà nước luôn chiếm tỷ trọng
lớn trong cơ cấu vốn đầu tư toàn xã hội và cơ cấu vốn đầu tư cho lĩnh vực nông
nghiệp, điều đó thể hiện vai trò chủ đạo của thành phần kinh tế nhà nước trong
sự phát triển kinh tế nói chung và lĩnh vực nông nghiệp nói riêng.
Cơ cấu vốn đầu tư công vào
lĩnh vực nông nghiệp bao gồm vốn từ NSNN, vốn vay và vốn DN Nhà nước với tỷ
trọng vốn đầu tư công duy trì ở mức khá ổn định khoảng 35% từ năm 2007 đến
2011.
Sang giai đoạn 2012 đến 2016,
tỷ trọng vốn đầu tư đã tăng lên nhưng không nhiều (khoảng 40%). Vốn NSNN bao
gồm vốn ngân sách, vốn cho các chương trình mục tiêu quốc gia và các ngành
chiếm khoảng 35%-65% vốn đầu tư công. Mặc dù, quy mô đầu tư chưa cao nhưng lĩnh
vực nông nghiệp, nông thôn đã có những đóng góp quan trọng trong sự phát triển
kinh tế xã hội.
Nông nghiệp tiếp tục phát
triển mạnh mẽ theo hướng tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả; an ninh lương
thực quốc gia được đảm bảo; kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội ở nông thôn được
tăng cường, nhất là thủy lợi, giao thông, góp phần thúc đẩy phát triển sản
xuất, từng bước thay đổi bộ mặt của nông thôn. Bên
cạnh đó, công tác xóa đói, giảm nghèo đạt được những thành tựu to lớn, bộ mặt
mới cho kinh tế nông thôn, nông nghiệp chuyển dịch theo hướng chuyên sâu bước
đầu có những chuyển biến rõ nét.
2. Hiệu quả đầu tư công trong lĩnh vực
nông nghiệp, nông thôn
Hiệu quả đầu tư công vào lĩnh
vực nông nghiệp - nông thôn còn thấp, được thể hiện qua hệ số ICOR (Hiệu quả sử
dụng vốn đầu tư) cao và chưa có cải thiện đáng kể. Hệ số ICOR trong lĩnh vực
nông nghiệp luôn thấp hơn nhiều so với hệ số ICOR của nền kinh tế. Tính trung
bình, hệ số này của nền kinh tế là 5,7 cao hơn nhiều so với lĩnh vực nông
nghiệp là 3,7. Như vậy, nếu so với khuyến cáo của Ngân hàng Thế giới (hệ số
ICOR ở mức 3,0 là hệ số phản ảnh hiệu quả và nền kinh tế phát triển bền vững
đối với các nước đang phát triển) thì vốn đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp là
tương đối hiệu quả.
3. Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công
trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn
Những cố gắng siết chặt đầu tư công
(Chỉ thị 1792/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ) và tăng cường huy động đầu tư
ngoài nhà nước trong các năm qua đã mang lại kết quả thiết thực. Hiệu quả vốn
đầu tư đã được cải thiện dù chưa nhiều. Hệ số ICOR đã có xu hướng giảm, so với
tổng thể nền kinh tế thì đầu tư công trong lĩnh vực nông nghiệp tương đối hiệu
quả (hệ số ICOR trong lĩnh vực nông nghiệp thấp hơn toàn nền kinh tế).
Tuy nhiên, lĩnh vực nông nghiệp Việt
Nam vẫn còn đối diện với các thách thức: (i) Dù vốn đầu tư công trong lĩnh vực
nông nghiệp được đánh giá là hiệu quả nhưng so với mức đầu tư toàn xã hội thì
vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu (hiện nay chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu) và
không tương xứng với quy mô đóng góp của sản xuất nông nghiệp cho nền kinh tế;
(ii) Các cơ chế, chính sách thu hút vốn cho nông thôn chưa thực sự năng động và
phù hợp. Tỷ lệ vốn ngân sách được huy động cho nông nghiệp ở mức khá thấp, đầu
tư dàn trải, chậm giải ngân và nhiều thủ tục rườm rà.
4. Một số đề xuất, khuyến nghị
Để nâng cao hiệu quả thu hút
và sử dụng nguồn vốn đầu tư công vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trong thời
gian tới cần quan tâm đến một số vấn đề sau:
Thứ nhất, tăng cường sử dụng các giải pháp sử
dụng vốn đầu tư. Việc sử dụng vốn đầu tư đồng nghĩa với tăng cường vốn cho lĩnh
vực nông nghiệp, nông thôn. Muốn đạt được hiệu quả vốn đầu tư công, đối với
nguồn vốn đầu tư từ ngân sách, cần tăng tỷ trọng vốn ngân sách trong tổng đầu
tư xã hội cho nông thôn.
Với vai trò quan trọng của
nguồn vốn ngân sách, cần có biện pháp sử dụng vốn hiệu quả thông qua phối hợp
với các nguồn vốn khác như việc đầu tư cần có trọng điểm, đầu tư dứt điểm theo
từng hạn mục công trình để phát huy tối đa hiệu quả sử dụng vốn. Bên cạnh đó,
cần tuân thủ nguyên tắc quản lý ngân sách và thông qua các chương trình, dự án.
Đối với các nguồn vốn khác,
cần tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức đầu tư đúng hướng, theo đúng
quy hoạch, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để nâng cao hiệu quả sử dụng
vốn. Cụ thể: Tạo môi trường pháp lý và kinh tế cần thiết để doanh nghiệp có thể
hoạch định dự án đầu tư, triển khai hoạt động kinh doanh. Các chính sách cần có
sự thay đổi theo từng ngành nghề, lĩnh vực và điều chỉnh phù hợp.
Thứ hai, cần có những giải pháp tích cực trong
việc quản lý đầu tư, cụ thể là từ giai đoạn lập kế hoạch, thẩm định dự án, phân
bổ nguồn vốn, cơ chế huy động vốn.
Thứ ba, thành lập Quỹ nông nghiệp hỗn hợp nhằm
đưa các tổ chức tín dụng tham gia vào quá trình giám sát sử dụng vốn.
Nguồn: Hương Giang (trích theo ThS. Trương Thị Thuận, Tạp chí Tài chính Kỳ 2 tháng
3/2017)