Đậu xanh hay đỗ xanh là cây đậutên khoa học Vigna radiata. Đậu xanh thuộc loại cây thảo mọc đứng. Lá mọc kép 3 chỉa, có lông hai mặt. Hoa màu vàng lục mọc ở kẽ lá. Quả hình trụ thẳng, mảnh nhưng số lượng nhiều, có lông trong chúa hạt hình tròn hơi thuôn, kích thước nhỏ, màu xanh, ruột màu vàng, có mầm ở giữa và có nhiều quả với các hạt nhỏ (đường kính khoảng 2–2,5 mm). Ở Việt Nam, đậu xanh là loại đậu thường được sử dụng để làm xôi, làm các loại bánh, hoặc được ủ cho lên mầm để làm thức ăn (giá đỗ).

Hạt đậu xanh vị ngọt, hơi tanh, tính hàn, không độc, bổ nguyên khí, thanh nhiệt mát gan, giải được trăm thứ độc, có thể làm sạch mát nước tiểu, chữa lở loét, làm sáng mắt, nhuận họng, hạ huyết áp, mát buồng mật, bổ dạ dày, hết đi tả, thích hợp với các bệnh nhân say nắng, miệng khát, người nóng, thấp nhiệt, ung nhọt, viêm tuyến má, đậu mùa, nhìn mọi vật không rõ.

Đậu xanh là loại thức ăn nhiều kali, ít natri. Người thường xuyên ăn đậu xanh và chế phẩm của nó huyết áp của họ sẽ thấp. Trong đậu xanh còn có thành phần hạ huyết mỡ hữu hiệu, nó còn giúp cho cơ thể phòng chống chứng xơ cứng động mạch và bệnh cao huyết áp, đồng thời có công hiệu bảo vệ gan và giải độc.

Trong đời sống hàng ngày, đậu xanh được dùng làm rất nhiều món như nấu canh, chè, làm bánh, xay thành bột làm miến, rang vàng tán bột làm thực phẩm ngũ cốc dinh dưỡng. Lá đậu xanh được tận dụng làm dưa nhưng không phổ biến. Vỏ đậu xanh có tính nóng, giúp giảm bớt mờ mắt, vì vậy nhiều người thường nấu cả vỏ, không bỏ đi. Hạt đậu xanh có thể dùng để:

- Chữa ỉa chảy nôn mửa: Đậu xanh rang vàng 100g, muối rang 10g, hạt tiêu 50g. Tán bột trộn chung cho đều cất kín vào trong lọ. Người lớn mỗi lần uống 7g, cách nhau 3giờ.

- Giải say rượu: Nấu cháo đậu xanh để nguội, cho ăn liền vài bát hoặc nhai một nắm lá sống đã rửa sạch thật kỹ rồi nuốt

.           - Trị trúng nắng: Sắc vỏ đậu xanh thật đặc uống trị trúng nắng rất công hiệu (Cổ Phương).

- Giải độc: Ăn thịt chim sẻ với gan heo, bò sinh độc; ăn mực ống với đường đen sinh độc; ăn măng tre lại ăn kẹo mạch nha sinh độc; ăn thịt heo với ốc bươu sinh chứng rụng lông mày; ăn gỏi cá sống lại uống sữa bò sinh độc; ăn cải ba lăng (thứ rau lá chĩa ba, cọng có khía, màu hơi đỏ tía, luộc ăn với đậu hủ rất ngon) uống sữa bò sinh bệnh Lỵ gặp những trường hợp trên uống nước đậu xanh thì giải được độc.

Kiêng kỵ: Ăn thịt chó với đậu xanh bụng sẽ trướng to, gặp trường hợp này mau dùng 2 lạng cam thảo nấu uống thì khỏi.

Người ta thường làm giá đỗ xanh để ăn. Để làm giá đỗ, nên chọn đỗ xanh hạt mới nguyên vỏ, hạt đều và bóng đem ngâm nước một ngày cho nở đều. Sau đó dùng nồi, thùng, xô, . . . (tùy theo lượng đỗ để làm giá, nhưng phải chọn loại có miệng nhỏ để dễ cài vỉ nén). Trải một lớp lá tre xuống dưới đáy thùng và tiếp theo là lớp đỗ, cứ thế một lớp đỗ một lớp lá tre cho đến khi hết đỗ hoặc hết đồ đựng . Lớp lá tre dưới đáy và trên cùng trải dày hơn một chút. Có thể dùng những thanh tre buộc chéo nhau để nén chặt đỗ (chú ý đừng chặt quá để khi giá nảy mầm và nở ra chúng có thể tự đẩy nới lỏng vỉ nén). Mỗi buổi sáng và chiều theo giờ nhất định, bạn đổ nước đầy thùng ngâm trong 15 phút, sau đó gạn sạch nước, giá sẽ mọc dài trong khoảng 3 đến 5 ngày (tùy thời tiết).

Các nghiên cứu đã chứng minh,  hạt đỗ sau khi lên mầm thành giá, chất carotein trong đó sẽ tăng lên gấp 1-2 lần, vitamin B2 tăng thêm 2-4 lần, vitamin B12 tăng gấp 10 lần, vitamin E gấp 12 lần, chất Niacin, vitamin B11 cũng tăng lên rất nhiều. Vì vậy, thường xuyên ăn giá có thể giảm bớt  acid lactic tích tụ, giúp tẩy trừ mệt mỏi.

Giá trị dinh dưỡng trong giá đỗ xanh rất phong phú, nó không những hàm chứa nhiều chất dinh dưỡng như protein, carotein, canxi, photpho, sắt và giàu vitamin, đặc biệt là vitamin C.

 

 

Giá đỗ xanh giúp thanh nhiệt giải độc, lợi tiểu, thích hợp dùng cho người bị đau nhức, phù thũng, mắt đỏ, táo bòn, tiểu tiện nóng, miệng khô khát nước, ôn nhiệt tích tụ, uống rượu quá nhiều. Giá đỗ tương giúp làm đẹp da, giảm huyết áp và thanh nhiệt giải độc.

Dưới đây là 5 cách dùng giá đỗ để chữa bệnh:

- Viêm nhiễm đường tiết niệu: Người bị viêm đường tiết niệu có triệu chứng nước tiểu nóng, đỏ, thường xuyên đi tiểu, có thể lấy 500g giá đỗ xanh, rửa sạch, xay nhuyễn thành nước, thêm vào một ít đường, làm như vậy để uống hàng ngày thay nước trà hoặc nước lọc.

- Viêm phế quản: Giá đỗ xanh 100g, rau mùi 20g, phổi lợn 1 cái, sau khi rửa sạch cho tất cả vào nồi hầm lên, khi hầm chín cho gia vị vào và lấy ra ăn cả nước lẫn cái là được.

- Táo bón: Giá đỗ xanh 25g, sau khi rửa sạch chần qua nước sôi,  thêm vào một ít dấm, muối, gia vị rồi trộn đều, khi ăn cơm lấy ra dùng.

- Mụn nhọt, đi ngoài ra máu: Giá đỗ tương 350g, rong  biển 25g, mộc nhĩ đen 30g, tất cả nguyên liệu rửa sạch cho vào nồi, thêm vào một lượng nước thích hợp, sau khi nấu chín thêm gia vị tùy theo khẩu vị của từng người, ăn như món canh trong bữa cơm.

- Ho, đờm vàng: Nếu ho, nhổ ra đờm vàng do bị nhiệt hoặc họng bị sưng, đau, đi tiểu ít và nước tiểu có màu vàng, đi ngoài không thông suốt. Có thể lấy 500g giá đỗ vàng, trần bì 10-15g, thêm một lượng nước thích hợp, nấu lên lấy nước uống thay trà, có công hiệu thanh phổi nhiệt, tẩy trừ đờm vàng, lợi tiểu tiện, nhuận nội tạng. 

Cây đậu xanh dễ trồng, hạt đậu xanh rất tốt, rất bổ dưỡng và có nhiều công dụng. Đậu xanh ngâm ủ thành giá đỗ, có giá trị thực phẩm rất cao và chữa được nhiều thứ bệnh. Nên phát triển trồng đậu xanh và sử dụng đậu xanh cũng như giá đậu xanh sẽ rất có lợi cho sức khỏe.

                                                                           PGS.TS. Nguyễn Kim Đường