Đối với côn trùng, giai đoạn sâu non do hình thái bên ngoài chưa có đặc điểm rõ nét để phân biệt con đực con cái, giai đoạn trưởng thành là giai đoạn sinh sản, hình thái đã ổn định với các đặc trưng khác đã phát triển ở mức độ hoàn thiện. Chính vì vậy, hiện tượng dị hình được biểu hiện ở giai đoạn trưởng thành một cách rõ rệt. Có 2 hiện tượng dị hình sau:

- Hiện tượng hai hình (Hình 1): Hiện tượng hai hình là hiện tượng biểu hiện sự khác nhau về hình thái giữa con đực và con cái: sự khác nhau về bộ phận sinh dục trong và ngoài; các bộ phận khác của cơ thể như râu đầu của nhiều loài muỗi, ngài, con đực thường ở dạng lông chim, con cái ở dạng sợi chỉ; hai mắt kép của ruồi đực thường gần nhau hơn ruồi cái,... Kích thước của con đực thường nhỏ hơn cái nhưng đặc trưng này không ổn định lắm vì kích thước lớn nhỏ có thể bị chi phối bởi nhiều yếu tố.

- Hiện tượng nhiều hình (Hình 2): Hiện tượng nhiều hình là hiện tượng trong cùng một loài côn trùng có nhiều cá thể có hình dạng khác nhau. Hiện tượng này không chỉ là sự khác nhau giữa đực và cái mà ngay trong cùng một tính đực hay cái cũng đã có hiện tượng khác nhau về hình thái giữa các cơ thể.


Hình 1. Tính hai hình ở một loài Bọ hung. A. Trưởng thành đực; B. Trưởng thành cái (theo Eidmann)


Hình 2. Tính nhiều hình ở mối Macrotermes

1. Mối chúa (con cái); 2. Mối vua (con đực non); 3. Mối lính; 4. Mối thợ (theo Passarin d’ Entrèves)

Ví dụ: Một số loài bướm phượng thường có mấy loại hình cá thể màu sắc khác nhau, sự khác nhau này có thể do sự biến động theo thời gian phát sinh của trưởng thành trong các mùa hoặc có thể do sự phân bố địa lý khác nhau.

Nói chung, hiện tượng nhiều hình biểu hiện rõ rệt ở những loài côn trùng sống có tính chất quần tụ tập thể xã hội như ong, kiến, mối,... Ngoài ong chúa, kiến chúa, mối chúa có cơ quan sinh dục phát triển ra còn ong đực, kiến đực, mối đực và nhiều cá thể tính cái khác như ong thợ, kiến thợ, mối thợ không sinh sản. Có khi còn có những cá thể đầu rất lớn, đôi hàm trên to khoẻ, cứng thường gọi là kiến lính, mối lính.

Trong hệ sinh thái nông nghiệp, các nhóm bọ xít, bọ rùa một số loài có sự  sự đa hình ở pha trưởng thành. Ví dụ, bọ rùa 6 vằn Menochilus sexmaculatus là loài thiên địch kiểm soát rệp có hiệu quả trên nhiều loại cây trồng như lạc, đậu, ngô, cải, ớt cay,…Chúng có 30 kiểu hình được ghi nhận tại Nghệ An trong đó kiểu hình 4 phổ biến nhất (Theo Nguyễn Thị Việt, 2011).


Hình 3. Các kiểu hình của bọ xít xanh Nezara viridula (Theo Thái Thị Ngọc Lam, 2016)

Đối với loài bọ xít xanh Nezara viridula có phổ thức ăn rộng, gây hại trên 150 loài cây trồng thuộc 30 họ của cây hai lá mầm và cây một lá mầm, đặc biệt trên các cây họ đậu. Tại Nghệ An ghi nhận 10 kiểu hình gồm G, O, F, R, Y, C, B, OG, GY và OR (Hình 3), trong đó kiểu hình G (cơ thể hoàn toàn màu xanh lá cây), O (cơ thể màu xanh trừ đầu và ngực trước có màu vàng, trắng hoặc cam) xuất hiện phổ biến nhất (Theo Thái Thị Ngọc Lam, 2016).

Nghiên cứu đặc điểm đa hình của côn trùng có ý nghĩa quan trọng trong việc nhận diện đối tượng và có kế hoạch phòng trừ đối với loài gây hại và bảo vệ các loài có ích.

 Tác giả: Ngọc Lam