Tại Việt Nam, có khoảng 5 triệu người trong diện nguy hiểm vì có tập quán ăn cá sống. Trong số này, có tới 500000 người đã bị nhiễm giun sán từ cá. Theo điều tra của Viện Sốt rét, Ký sinh trùng và côn trùng Trung ương, hiện cả nước có 24 tỉnh, thành có bệnh sán lá gan nhỏ lưu hành, trong đó cao nhất là Nam Định, Phú Yên (37%), Hà Nội (tỉ lệ nhiễm Hà Tây cũ là 40,1%)... Riêng ở Hà Nội, theo một nghiên cứu tiến hành tại một xã ven đô, thói quen ăn gỏi cá đã thành tập quán, có đến hơn 80% dân số thường xuyên ăn, dẫn tới tỷ lệ nhiễm bệnh sán lá gan nhỏ lên đến 40%.  FZPs được coi như một mối nguy đối với sức khỏe cộng đồng và an toàn thực phẩm trong các sản phẩm thủy sản.

 

Một số loài động vật thủy sản mang ký sinh trùng gây bệnh cho người và nguy cơ nhiễm bệnh rất cao nếu chúng ta duy trì thói quen ăn các món tái, nướng hoặc ăn sống.  Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), có ít nhất 7 loài cá nước ngọt tại Việt Nam có thể nhiễm ấu trùng sán lá gan nhỏ, tỉ lệ nhiễm cao thường thấy ở cá Mè trắng và cá Rô đồng.

   

Ký chủ trung gian của ký sinh trùng          Ăn cua nướng có thể truyền bệnh sán lá phổi

               Ăn gỏi cá có thể nhiễm bệnh sán lá gan, sán lá ruột

Khảo sát bước đầu cho thấy, thói quen ăn gỏi sinh cầm (cá còn đang bơi) ở Phú Yên, ăn gỏi cá ở Nghĩa Hưng (Nam Định), Kim Sơn (Ninh Bình), Nga Sơn (Thanh Hóa), ăn cua nướng (miền núi phí bắc)… đều có thể đưa giun sán vào cơ thể, là nguyên nhân chính gây bệnh nhiễm ký sinh trùng ở người. Đây được xem là “điểm nóng” của tình trạng nhiễm các loại ký sinh trùng gây bệnh nguy hiểm như sán lá gan nhỏ, sán lá ruột, sán lá phổi, bệnh giun đầu gai, bệnh sán dây.

            Mức độ nhiễm bệnh nhẹ nhất là nhiễm các loài đơn bào có thể gây ngộ độc, tiêu chảy. Khi vào cơ thể người, ký sinh trùng giun đầu gai có thể thành các khối u di chuyển, điều trị rất khó khăn. Sán dây, sán lá ruột có thể hút hết chất dinh dưỡng trong ruột, gây thiếu chất và nhiễm độc thần kinh cho người. Nhưng nguy hiểm nhất vẫn là sán lá gan, sán lá phổi, vì chúng gây bệnh và  tiến triển rất âm thầm. Ở giai đoạn sớm, hầu hết đều không có triệu chứng lâm sàng, nếu có thì thường chỉ là rối loạn tiêu hóa nhẹ và rất dễ bị bỏ qua. Ở giai đoạn muộn, bệnh diễn tiến nặng, bệnh nhân có thể thấy đầy bụng, giống như bị đau dạ dày, nếu ăn mỡ thì mức độ đau tăng, khi lao động nặng người bệnh có cảm giác đau tức hạ sườn phải và vùng gan, đau đầu, chóng mặt, lâu dần có thể dẫn đến tử vong.

`           Nhiều người nghĩ đơn giản, cá, tôm rửa sạch, ngâm nước muối, ướp nhiều gia vị thì ký sinh trùng sẽ trôi đi hoặc chết. Nhưng trên thực tế, nghiên cứu trên gỏi cá đã trộn đủ gia vị (giấm, mẻ, riềng, lá mơ…), ấu trùng sán lá gan vẫn còn sống đến 95%; ngâm các loại ấu trùng này vào nước của 13 loại lá thường dùng ăn gỏi, thì sau 1 giờ vẫn sống 95%, sau 4 giờ còn 93%. Một vài cách mà người ăn hy vọng làm chín đồ sống như nhúng nước cốt chanh hoặc dấm, nhưng các cách này đều không diệt được ấu trùng giun sán, thậm chí cả khi uống thêm rượu mạnh cũng không có tác dụng.

Như vậy đây không chỉ là vấn đề đối với sức khỏe cộng đồng mà còn là vấn đề an toàn thực phẩm ở các vùng nông thôn và vùng nuôi trồng thủy sản xuất khẩu. Do đó để đảm bảo được vệ sinh, an toàn thực phẩm các sản phẩm thủy sản cũng như hạn chế ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng, cần thiết thực hiện một số biện pháp thiết thực như:

- Đối với nghề nuôi trồng thủy sản: cần thiết phải tẩy dọn ao, diệt ký chủ trung gian của giun sán (ốc), lắng lọc nước thật kỹ để hạn chế trứng giun sán vào theo nguồn nước, các ao ương nuôi không dùng phân hữu cơ tươi bón cho ao.

- Đối với người sử dụng, cần tránh ăn cua sống, cua nướng, gỏi cá, không sử dụng các sản phẩm từ thủy sản chưa được chế biến kỹ.

 

     

            Không nên sử dụng các sản phẩm từ thủy sản chưa được chế biến kỹ

                                                            

                                                                                   ThS. Nguyễn Thị Thanh

                                                                                   Bộ môn NTTS nước ngọt.

                                                                        

 

 

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Lương nông Thế giới (FAO) năm 2004,  ước tính rằng ký sinh trùng gây bệnh có nguồn gốc thủy sản (FZPs) đã lây nhiễm trên 18 triệu người, hơn nửa tỉ người đứng trước nguy cơ lây nhiễm, đặc biệt là dân cư các nước khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.