Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nuôi trồng thủy
sản năm 2017 đạt kết quả khả quan cả ở nuôi tôm nước lợ (tôm thẻ, tôm sú) và cá
tra nhờ áp dụng cải tiến trong kỹ thuật nuôi, chủ động phòng chống dịch bệnh.
Sản lượng nuôi trồng thủy sản năm 2017 đạt 3.833 ngàn tấn, tăng 5,2% so với
cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2017 tăng 18%
so với cùng kỳ năm 2016. Quá
trình tăng trưởng này đã đưa Việt Nam trở thành một trong 5 nước xuất khẩu thủy
sản lớn nhất thế giới, giữ vai trò chủ đạo cung cấp nguồn thủy sản toàn cầu.
Cụ thể, đối với cá tra, năm 2017 được xem là
năm trở lại của con cá tra. Giá cá tra thương phẩm tăng từ đầu năm và hiện đang
ở mức 25.000 – 27.000 đồng/kg (với mức giá này người nuôi lãi từ 4.000 – 6.000
đồng/kg). Để đạt được kết quả này, Bộ NN&PTNT cho hay, trong thời gian
trước, người nuôi liên tục phải trải qua các giai đoạn bấp bênh của thị trường
tiêu thụ nên có nhiều kinh nghiệm thả nuôi. Diện tích nuôi cá tra của các tỉnh
đồng bằng sông Cửu Long năm 2017 đạt 6.078 ha, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm
ngoái. Sản lượng thu hoạch tháng 12 đạt 1.252 ngàn tấn, tăng 5,4%. Trong đó,
các tỉnh có diện tích nuôi lớn đạt sản lượng cá tra tăng mạnh là Đồng Tháp với
sản lượng 466,3 ngàn tấn, tăng 6% so với cùng kỳ, An Giang với sản lượng 261,6
ngàn tấn, tăng 5,9% và Cần Thơ với sản lượng đạt 174,2 ngàn tấn, tăng 6,4%.
Cũng theo Bộ NN&PTNT, giá cá tra nguyên
liệu tại đồng bằng sông Cửu Long trong tháng 12/2017 tiếp tục vững giá ở mức
cao, dao động ở mức 27.000 – 29.000 đồng/kg tùy theo chất lượng cá, kích cỡ và
phương thức thanh toán. Đây là lần đầu tiên giá cá tra ở mức cao như vậy trong
tháng cuối năm bởi thông thường, thời điểm này giá cá tra sẽ xuống thấp,
do doanh nghiệp đã hoàn tất các hợp đồng đã ký. Nguồn nguyên liệu cá tra tại
khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang thiếu, sản lượng nuôi giảm, chất lượng cá
gống không cao. Hiện các doanh nghiệp vẫn tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu cuối năm.
Đối với mặt hàng tôm nước lợ, sản lượng thu
hoạch tôm cả năm 2017 ước đạt 701 ngàn tấn, tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm
2016 (tăng 8,9%). Các hộ nuôi trồng thủy sản hiện đang triển khai thực hiện việc
gia cố, nạo vét, vệ sinh cải tạo ao đầm để chuẩn bị thả giống nuôi trồng vụ 1
năm 2018 khi điều kiện thích hợp. Giá tôm thương phẩm dao động như sau: Tôm thẻ
chân trắng cỡ 60 – 70 con/kg giá từ 120.000 – 130.000 đồng/kg; cỡ 100 –
110 con/kg giá từ 105.000 – 110.000 đồng/kg. Tôm sú cỡ 40 – 50 con/kg, giá từ
210.000 – 220.000 đồng/kg; cỡ 70 – 80 con/kg giá từ 130.000 – 140.000 đồng/kg.
Diện tích và sản lượng nuôi tôm nước lợ các
tỉnh đồng bằng sông Cửu Long tăng mạnh. Cụ thể, diện tích nuôi tôm sú năm 2017
đạt 595,8 ngàn ha, tăng 1,3% với sản lượng thu hoạch 270,5 ngàn tấn tăng 4,4%
so với cùng kỳ năm trước. Nuôi tôm thẻ chân trắng với diện tích 110,1 ngàn ha
tăng 10,1% và sản lượng thu hoạch đạt 430,5 ngàn tấn, tăng 11,8% so với cùng kỳ
năm 2016.
Bộ NN&PTNT cho biết, giá tôm nguyên liệu
trong tháng 12/2017 có xu hướng ổn định ở một số kích cỡ kể từ cuối tháng 11 do
nguồn cung ổn định và nhu cầu nhập khẩu của các thị trường lớn như EU và Mỹ bình
ổn khi đã gần như hoàn tất các đơn hàng cuối năm. Tại Sóc Trăng, Bạc Liêu, giá
tôm sú loại 20 con/kg được các thương lái và nhà máy thu mua với giá khoảng
240.000 – 245.000 đồng/kg, cỡ 30 và 40 con/kg ở mức giá 140.000 – 190.000
đồng/kg; giá tôm thẻ ướp đã cỡ 50 – 60 con/kg dao động 120.000 – 128.000
đồng/kg.
Cũng theo Bộ NN&PTNT, giá trị xuất khẩu
thủy sản tháng 12 năm 2017 ước đạt 714 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu thủy
sản năm 2017 ước đạt 8,32 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2016. Hoa Kỳ,
Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy
sản Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2017, chiếm 55,3% tổng giá trị xuất khẩu
thủy sản. Trong 11 tháng đầu năm 2017, các thị trường có giá trị xuất khẩu thủy
sản tăng mạnh là Trung Quốc (64,4%), Hà Lan (48,6%), Anh (36,4%), Hàn Quốc
(29,1%), Canada (22,3%) và Nhật Bản (20%).
Bộ NN&PTNT đánh giá, năm 2017 được đánh
giá là năm có thắng lợi đối với người nuôi cá tra tại vùng đồng bằng sông Cửu
Long. Năm nay, giá cá tra luôn duy trì ở mức cao và cuối năm giá lại tăng, tuy
nhiên, do thời tiết diễn biến thất thường, cá nuôi bị hao hụt lớn, thời gian
nuôi kéo dài nên sản lượng cá nuôi không đạt như yêu cầu, không đủ cung ứng cho
các nhà máy sản xuất chế biến. Đối với mặt hàng tôm, đây là năm thuận lợi đối
với người nuôi tôm về cả sản lượng và giá. Sức tiêu thụ ở một số thị trường
chính duy trì ổn định cũng giúp việc tiêu thụ nguyên liệu khả quan. Những tháng
đầu năm và cuối năm, giá nguyên liệu tăng cao do thị trường xuất khẩu hút hàng
khiến người nuôi tôm rất phấn khởi.
Tổng
hợp: ThS Nguyễn Thị Thanh
(Nguồn:
Tổng cục Thủy sản – 2017)