Mã số: B2015 - 27 – 17

 

Chủ nhiệm đề tài: TS. Nguyễn Thị Thanh

Thư ký: ThS. NCS. Thái Thị Ngọc Lam

1. Mục tiêu nghiên cứu

Sản xuất và ứng dụng thuốc trừ sâu sinh học từ nấm ký sinh giống Isaria bảo đảm hiệu quả phòng trừ ≥ 80%.

2. Vật liệu nghiên cứu: Các mẫu nấm Isaria thu thập từ vườn quốc gia Pù Mát và khu vực Puxailaileng thuộc khu dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An.

3. Nội dung nghiên cứu (năm 2015)

- Phân tích mẫu nấm thuộc giống Isaria thu thập ở Vườn Quốc gia Pù Mát và Khu vực Puxailaileng thuộc khu dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An.

- Đánh giá khả năng sinh trưởng và phát triển của nấm Isaria trên môi trường PDA (Potato Dextro Agar) để lựa chọn các loài và chủng nấm tiềm năng.

4. Kết quả nghiên cứu (năm 2015)

(1) Trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 10 năm 2015 đã thu thập được 13 loài Isaria với 154 mẫu nấm. Trong đó, I. tenuipes phổ biến nhất với tần suất bắt gặp 79,87%. Các loài còn lại có tần suất bắt gặp thấp từ 0,56 – 7,78%.

(2) Nấm Isaria chủ yếu được tìm thấy trong tàn dư thực vật chiếm 57,14%, trong đất 34,41% và mặt sau của lá với tỷ lệ nhỏ nhất 8,45%.

(3) Isaria chủ yếu ký sinh côn trùng bộ cánh vảy Lepidoptera (pha sâu non và pha nhộng), với 137 mẫu chiếm tỷ lệ lớn nhất 88,96%. Đối với côn trùng bộ cánh màng Hymenoptera, Isaria ký sinh trên các loài ong và kiến chiếm 5,19%. Các loài bọ xít (Hemiptera) bị ký sinh chiếm 1,30%, còn lại là các loài côn trùng khác.

(4) Isaria tenuipes có sự đa dạng về kiểu hình. Chúng được phân chia thành 4 kiểu hình khác nhau dựa trên đặc điểm hình thái của loài.

(5) Tuyển chọn được 6 loài nấm có tiềm năng trong phòng trừ sâu hại rau họ hoa thập tự nói riêng và sâu hại cây trồng nói chung bao gồm: Isaria javanica, Isaria tenuipes, Isaria carneus, Isaria sp2, Isaria sp3 và Isaria sp4.

(6) Tuyển chọn được 3 chủng tiềm năng của loài Isaria tenuipes là B2015- 2, B2015- 4 và B2015- 5 và 3 chủng tiềm năng của Isaria javanica  là VN1472, VN 1487 và VN1802.


Hình 1. Mẫu vật, cấu trúc sinh bào tử và PDA của I. tenuipes

a-d nấm trên vật chủ, e-g cấu trúc sinh bào tử, h-i bào tử đính, j-m khuẩn lạc trên môi trường PDA

 

Hình 2. Mẫu vật, cấu trúc sinh bào tử và PDA của I. javanica

a-b vật chủ; c-e cấu trúc sinh bào tử; f bào tử đính; g-I khuẩn lạc trên PDA