1.      Biến đổi khí hậu – Những vấn đề cơ bản 

Trong năm 1992, các chính phủ trên thế giới đã thống nhất nhận định rằng nhiệt độ và thời tiết trên toàn cầu đã và đang thay đổi ở mức độ nhanh chóng một cách bất thường. Trong khuôn khổ của Liên hiệp quốc, các chính phủ đã quyết định gặp gỡ hàng năm để thảo luận tại sao hiện tượng này lại diễn ra và cần phải làm gì. Đến năm 1997, hầu hết các nhà khoa học đều khẳng định rằng nhiệt độ trên toàn cầu đang tăng lên nhanh chóng hơn nhiều so với mức bình thường và rằng lý do chủ yếu của hiện tượng này là sự gia tăng mức độ khí nhà kính trong khi quyển. Các loại khí nhà kính này tích tụ hơi nóng từ mặt trời và không cho hơi nóng thoát trở lại không gian, mà hoạt động như là một nhà kính. Các loại khí nhà kính phát sinh một cách tự nhiên, nhưng cũng được tạo ra khi dầu, than và gỗ bị đốt để lấy năng lượng. Vì vậy, khi dân số thế giới gia tăng và chúng ta sử dụng năng lượng nhiều hơn thì chúng ta cũng xả một lượng khí nhà kính lớn hơn vào sinh quyển. Carbonic (CO2) là một loại khí nhà kính quan trọng nhất. 
       2. Tại sao lại là REDD? Đưa rừng vào công cuộc thích ứng với Biến đổi khí hậu 

 Các tác động của biến đổi khí hậu sẽ vô cùng to lớn. Sự tan băng ở hai đầu địa cực sẽ làm gia tăng mực nước biển. Biến đổi khí hậu cũng tác động tới rừng và sinh kế của người dân sống phụ thuộc vào rừng. Rừng rất đặc biệt bởi nó vừa góp phần gây ra biến đổi khí hậu cũng vừa là nạn nhân của các tác động của biến đổi khí hậu. Rừng cũng có tiềm năng trở thành một giải pháp hai mặt trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu – m giảm nguyên nhân gây biến đổi khí hậu và giúp xã hội thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu. 

·         Việc ngăn chặn mất rừng và suy thoái rừng có thể giúp làm giảm gần 20% lượng phát thải CO2 toàn cầu;

·         Rừng được duy trì có thể giúp chúng ta thích ứng thông qua việc cung cấp các dịch vụ sinh thái quý giá.

Biến đối khí hậu có thể gây tổn hại cho sức khỏe của rừng theo nhiều cách khác nhau. Lượng mưa giảm và sự gia tăng nhiệt độ có thể gây ra hạn hán – làm tăng các vụ cháy rừng và làm giảm tài nguyên rừng. Một khu rừng đã bị hủy hoại sẽ không thể cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên có thể duy trì các nguồn sinh kế và giúp người dân thích ứng với biến đổi khí hậu. Rừng giúp kiểm soát xói lở đất, cung cấp nước sạch và tạo ra hành lang cho động - thực vật hoang dã di chuyển tới các vùng có khí hậu thuận lợi hơn. Việc các dịch vụ này bị mất đi sẽ tác động tới cuộc sống và sinh kế của người dân sống phụ thuộc vào rừng. Rừng cũng có thể làm gia tăng biến đổi khí hậu nếu không được quản lý một cách bền vững. Khi gỗ bị khai thác, cây sẽ trở thành nguồn khí nhà kính bởi vì toàn bộ carbon mà nó tàng trữ sẽ phát thải dưới dạng CO2 và cây sẽ không còn là bể chứa carbon – nghĩa là nó không thể hút CO2 từ sinh quyển được nữa. 
REDD+ là gì? 

REDD+ là bước phát triển mới nhất của dịch vụ môi trường rừng. REDD+ có nghĩa là “Giảm phát thải khí nhà kính thông qua việc hạn chế mất rừng và suy thoái rừng; Quản lý bền vững tài nguyên rừng; Bảo tồn và tăng cường trữ lượng các bon”. Về mặt ngữ nghĩa, mất rừng là hiện tượng rừng bị khai thác trắng để chuyển đổi sang các mục đích sử dụng khác; suy thoái rừng quá trình tài nguyên rừng bị tổn hại. Mất rừng và suy thoái rừng có tác động làm giảm sinh khối (trữ lượng các bon) của rừng, do đó tác động trực tiếp đến việc làm giảm khả năng hấp thụ khí nhà kính, từ đó làm tăng nhiệt độ và biến đổi khí hậu toàn cầu. Do đó, muốn giảm tác động của biến đổi khí hậu thông qua giảm phát thải, phải có nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng. Như vậy, REDD+ là một loại dịch vụ môi trường rừng.

Các nhà khoa học tính toán rằng, mất rừng và suy thoái rừng làm tăng phát thải khoảng 20% tổng lượng khí nhà kính hàng năm trên toàn cầu. Tỷ lệ này lớn hơn lượng phát thải của toàn bộ ngành giao thông trên toàn thế giới. Tuy nhiên, chi phí cho REDD+ lại chỉ bằng 1/20-1/10 (0,4-1,4 USD/tấn CO2 tương đương) so với chi phí cho việc giảm phát thải trong ngành giao thông (15-20 USD/tấn CO2 tương đương). Như vậy, có thể thấy, REDD+ là cơ chế có tiềm năng lớn và rất hiệu quả trong giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu.

Thực tế cho thấy, để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, loài người có hai cách tiếp cận chính: thích ứng và giảm nhẹ tác động. Hai cách tiếp cận này bổ sung và hỗ trợ cho nhau. Nếu thích ứng nhằm vào các hậu quả của biến đổi khí hậu thì giảm nhẹ lại nhằm vào các nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu. Quan điểm được chấp nhận hiện nay là loài người cần cả thích ứng và giảm nhẹ. Tuy nhiên, chi phí tài chính cho các hoạt động thích ứng thường rất cao, trong khi chi phí tài chính cho giảm nhẹ chưa được chú ý đúng mức. Trước khi thực hiện REDD+, hầu hết các nỗ lực giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu đều nhằm vào việc giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch ở các nước công nghiệp. Nghị định thư Kyoto là nỗ lực toàn cầu có tác dụng mạnh nhất đi theo hướng tiếp cận này. Tuy vậy, không phải tất cả các quốc gia đều đã cam kết thực hiện Nghị định thư này, do đó có sự tranh luận về khả năng kiểm soát khí hậu. Trong khi đó, để giảm nhẹ, còn có thể dựa vào việc phát triển rừng, chống mất rừng và suy thoái rừng. Trồng rừng mới sẽ có tác dụng giảm phát thải. Tuy nhiên, để trồng rừng và bảo vệ rừng, các biện pháp truyền thống tỏ ra chưa thực sự hiệu quả. Cần phải có các cách tiếp cận mới hiệu quả hơn. Một trong các cách tiếp cận mới đó là REDD+.

REDD+ là một sáng kiến được đưa ra tại Hội nghị các bên tham gia UNFCCC lần thứ 13 (COP13) tại Ba Li - Indonesia để huy động nguồn lực tài chính chi trả cho người cung cấp các dịch vụ giảm phát thải khí nhà kính thông qua các hoạt động hạn chế mất rừng và suy thoái rừng. REDD+ có thể được thực hiện trên toàn thế giới nhưng trước hết là áp dụng ở khu vực các nước đang phát triển. REDD+ đã và đang tiếp tục được thảo luận, đàm phán rất sôi nổi trong khuôn khổ UNFCCC. Khái niệm về REDD+ luôn được bổ sung, phát triển theo tiến trình các cuộc đàm phán. Khái niệm REDD mới được đưa ra và áp dụng chưa lâu đã được bổ sung thêm dấu "+", xuất hiện khái niệm REDD+ bao gồm REDD và ba nội dung bổ sung thêm là "bảo tồn, quản lý bền vững tài nguyên rừng và tăng cường trữ lượng các bon" (xem Hình 1). Như vậy, REDD+ là hình thức phát triển mới của PFES với một cơ chế chi trả mới, theo đó có sự khác biệt và ưu thế nhất định so với các hình thức chi trả theo PFES truyền thống.

 


Hình 1: Nội dung các hoạt động của REDD+

Hình 2 mô tả tóm tắt quá trình mất rừng và suy thoái rừng và nỗ lực của REDD+ trong việc làm tăng trữ lượng các bon của rừng, giảm phát thải.

 

Sự khác biệt, đồng thời là ưu thế cơ bản của REDD+ bao gồm:

i) Chủ thể đứng ra tổ chức, đàm phán, thực hiện phải có sự tham gia của quốc gia (Chính phủ trung ương) nhưng vẫn không phủ nhận tính tự chủ của địa phương và các chủ rừng.

ii) Có cơ hội để thực hiện chi trả từ nguồn vốn bên ngoài với quy mô lớn cho các diện tích rừng đáng kể.

iii) Quy chế giám sát thực hiện có chuẩn mực quốc tế điều chỉnh nên bảo đảm sự minh bạch, công bằng hơn.

Hương Giang - Chi đoàn Cán bộ