Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã đạt được thỏa thuận cuối cùng vào hôm 5/10 và được dự báo sẽ tác động mạnh đến nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế Việt Nam, trong đó có nông nghiệp. Bên cạnh mặt thuận lợi, việc cắt giảm/xóa bỏ hàng rào thuế quan chắc chắn sẽ dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng lượng hàng nhập khẩu từ các nước TPP vào Việt Nam với giá cả cạnh tranh, nguy cơ này đặc biệt nguy hiểm đối với những ngành hàng mà năng lực cạnh tranh của Việt Nam còn yếu, điển hình là nhóm hàng nông sản vốn gắn liền với đối tượng dễ bị tổn thương trong quá trình hội nhập là nông dân. Trong các nội dung đàm phán được trình bày ở trên, có thể nói các đàm phán về thuế quan, biện pháp vệ sinh, kiểm dịch động thực vật (SPS); hàng rào kỹ thuật thương mại (TBT); đầu tư và lao động là những nội dung quan trọng hơn cả, có ảnh hưởng trực tiếp đến lĩnh vực nông nghiệp; kế đến là các nội dung đàm phán liên quan đến lĩnh vực dịch vụ, quyền sở hữu trí tuệ, mua sắm công và các vấn đề phi thương mại khác.

Cho đến nay, nông nghiệp vẫn là ngành thế mạnh của Việt Nam. Trong đó, thủy sản được đánh giá là có thế mạnh nhất, tiếp đến là trồng trọt, chăn nuôi xếp vị trí thứ ba. Cả ba ngành này đều có xu hướng chịu tác động khá rõ của các đàm phán liên quan đến nội dung thuế quan, SPS – TBT, đầu tư và lao động; trong đó bao gồm cả những mặt thuận lợi và khó khăn.

1. Nông dân - đối tượng dễ bị "tổn thương"

Tới 60% dân số Việt Nam phụ thuộc vào nông nghiệp nhưng đa phần người nông dân - vốn là đối tượng dễ bị "tổn thương" trong quá trình hội nhập vẫn chưa được trang bị nhiều kiến thức. Điều này dẫn tới năng lực cạnh tranh của một số mặt hàng trong lĩnh vực này vẫn còn yếu, điển hình là các nhóm hàng nông sản.

Gia nhập TPP, nông sản Việt Nam sẽ có cơ hội được xuất sang nhiều nước nhưng bên cạnh đó, nông sản của các nước khác cũng sẽ được nhập khẩu ồ ạt hơn. Việc không được chuẩn bị kỹ để "hội nhập" sẽ khiến sản phẩm nội địa có thể bị thua ngay trên "sân nhà".

2. Thủy sản hưởng lợi nhất?

Thủy sản được cho là ngành nông nghiệp tận dụng được nhiều lợi thế hơn cả khi Việt Nam gia nhập TPP, cụ thể là cơ hội gia tăng xuất khẩu.

Nhật Bản, Mỹ là hai trong các quốc gia nhập khẩu thủy sản hàng đầu của Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đã nhận thấy thị trường này sẽ còn lớn hơn khi thuế nhập khẩu giảm về 0%. Đồng thời, thuế nhập khẩu đối với các thị trường nhỏ hơn như Australia, Singapore và Mexico cũng sẽ giảm xuống, và "lối vào" các thị trường này sẽ rộng mở hơn. Với tôm, mực, cá ngừ, hiện thuế xuất khẩu chỉ từ 1- 10%.

3. Ngành chăn nuôi gặp khó

So với thủy sản, nhóm hàng chăn nuôi (lấy thịt, lấy sữa) và trồng trọt (trái cây) lại được dự báo là khó cạnh tranh ngay tại thị trường nội địa.

Trước hết là nguy cơ cạnh tranh gay gắt giữa Việt Nam và hai nước gồm Australia và New Zealand, vì hai nước này được đánh giá có năng lực cạnh tranh vào hàng cao nhất thế giới ở các sản phẩm ngành chăn nuôi bò (thịt bò, sữa), quả ôn đới (táo, cam). Thêm vào đó là nguy cơ cạnh tranh giữa Việt Nam và Mỹ. Hiện tại, Mỹ có thế mạnh trong các sản phẩm như sữa, thịt bò, thịt gia cầm, thịt heo.

Khó khăn hiện tại là Việt Nam đang nhập khá nhiều các mặt hàng này từ Mỹ, nếu mở cửa thị trường, nguy cơ sản phẩm tương tự của Việt Nam gặp khó khăn khi cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ là rất lớn. Cụ thể, giá thịt heo của Mỹ trung bình cao hơn của Việt Nam khoảng 40%, trong đó tiền vận chuyển mất 20% và 20% còn lại là do Việt Nam đánh thuế. Tuy nhiên, khi TPP có hiệu lực, hầu hết các hàng nông sản đều giảm thuế về 0%, thịt heo Mỹ sẽ tràn vào Việt Nam và rẻ hơn thịt sản xuất trong nước khoảng 15 - 20%.

Theo nhận định của các chuyên gia, sau khi ký kết TPP, dòng thương mại có xu hướng thay đổi theo hướng chuyển sang nhập khẩu sữa bột từ New Zealand, trâu bò sống từ Australia và các sản phẩm thịt từ Mỹ.

Ngoài ra, mặt hàng thịt đông lạnh cũng sẽ phát triển do yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm của người tiêu dùng ngày một tăng lên, thịt "nóng" ngoài chợ sẽ không đáp ứng được.

3. Chú trọng đến các biện pháp SPS - TBT

Về cơ bản, nhóm "biện pháp kỹ thuật" (TBT) với nhóm các “biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật” (SPS) là những rào cản dưới dạng quy định kỹ thuật, vệ sinh dịch tễ rất có khả năng vô hiệu hóa lợi ích từ việc giảm thuế quan đối với hàng hóa Việt Nam.

Nguyên nhân bởi dù thuế nhập khẩu vào các nước có được xóa bỏ nhưng việc kiểm dịch, kiểm tra dư lượng kháng sinh, các đòi hỏi về nhãn mác bao bì... của các nước vẫn ngăn chặn khả năng xuất khẩu của nông sản Việt Nam, thậm chí còn rủi ro hơn nhiều so với thuế quan.

Ví dụ, những quy định của TPP về quy tắc xuất xứ sẽ gây khó khăn cho một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như thủy – hải sản; còn về môi trường, có những yêu cầu cam kết cấm trợ cấp đánh bắt thủy hải sản có thể gây bất lợi đối với chính sách phát triển của ngành này.

5. Phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Trái ngược với các rủi ro trong đàm phán về SPS – TBT và lao động, nội dung về đầu tư lại hứa hẹn đem đến nhiều cơ hội cho ngành nông nghiệp nước ta.

Khi TPP có hiệu lực, hiệp định này sẽ thúc đẩy, gia tăng đầu tư của các nước thành viên (nhất là các nước phát triển như Mỹ, Australia, New Zealand, Singapore...) vào Việt Nam. Đặc biệt trong một số lĩnh vực Việt Nam mong muốn phát triển như các ngành nông nghiệp công nghệ cao, TPP sẽ tạo cơ hội hình thành các chuỗi khép kín với công nghệ tiên tiến, tạo khả năng cho Việt Nam tham gia tốt hơn vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Như vậy thông qua việc đề cập đến những nội dung chính trong đàm phán TPP và một số liên hệ đến lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn, chúng ta có thể nhận thấy rằng, TPP là hình thức hội nhập "theo chiều sâu", trong đó các cam kết mạnh mẽ hơn, ở nhiều lĩnh vực hơn, do đó mức độ tác động tới mỗi ngành cũng lớn và phức tạp hơn. TPP được đánh giá là hiệp định của thế kỷ 21, không chỉ vì nó là một hiệp định lớn, mà còn ở tầm vóc và ảnh hưởng của nó: về phạm vi, hiệp định TPP mở rộng hơn so với các hiệp định trước đây cả về thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư và sở hữu trí tuệ; ngoài ra còn bao gồm các vấn đề phi thương mại như mua sắm chính phủ, môi trường, lao động, công đoàn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ… Nét mới trong đàm phán TPP so với các Hiệp định thương mại tự do (FTA) trước đây là sự tham gia của các đối tượng liên quan như doanh nghiệp, hiệp hội và tổ chức xã hội (đàm phán thương mại tự do nhiều bên); TPP sẽ cho phép thành viên mới được đàm phán với từng đối tác thay vì phải chấp nhận các quy tắc được thiết lập bởi các thành viên cũ; ngoài ra với mục tiêu cắt giảm 90% thuế xuất khẩu, nhập khẩu giữa các nước cũng tạo ra cơ hội lớn cho nông nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường, thu hút đầu tư và hợp tác trong nông nghiệp.

Tham gia hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có 12 quốc gia với trình độ phát triển khác nhau, trong đó Việt Nam có trình độ đi sau so với 11 quốc gia còn lại. Với ngành nông nghiệp, cơ hội lớn là sẽ có thị trường rộng lớn với 600 triệu dân, trong đó có những thị trường tiêu thụ nông sản lớn của Việt Nam. Những thị trường này sẽ giúp Việt Nam có cơ hội giảm áp lực phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống nhưng lại luôn thay đổi (Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ NN và PTNT).

 

Một số hình ảnh về ứng dụng Nông nghiệp công nghệ cao

 

(Nguyễn Thị Thúy, Chi đoàn Cán bộ)

 

Tài liệu tham khảo

1.      http://www.tvnn.vn/web/guest/news/-/journal_content/56_INSTANCE_L0zE/10157/844300

2.      http://soha.vn/kinh-doanh/5-tac-dong-cua-tpp-doi-voi-nong-nghiep-viet-nam-20151008165701779.htm

3.      http://www.nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/27638902-nong-nghiep-va-%E2%80%9Clieu-thuoc-thu-tpp%E2%80%9D.html