Xu
hướng khởi nghiệp từ nông nghiệp ngày càng được bạn trẻ quan tâm. Không đi theo
lối mòn truyền thống, những thanh niên nhạy cảm với thời cuộc đã mạnh dạn đầu
tư trong lĩnh vực nông nghiệp. Thay vì ngồi thụ động chờ được ban phát việc làm
thì những thanh niên chịu khó này lại tạo công ăn việc làm cho chính mình và có
nhu cầu thuê lao động thời vụ ngay trên quê hương. Không ngại khó, không ngại
khổ với châm ngô “không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền”, các thanh niên
yêu lao động, gắn bó với nghề nông đã hợp tác với nhau để thực hiện ý tưởng làm
giàu từ nông nghiệp sạch.
Sinh năm 1990, sau nhiều lần thử sức ở thành phố,
anh Lê Văn Quân đã quyết định trở về quê khởi nghiệp. Với 2 ha đất ở xóm 4 xã
Minh Thành, huyện Yên Thành, anh Quân đã đầu tư phát triển mô hình chăn nuôi sạch,
kết hợp trồng rừng và cây ăn quả. Tuổi đời còn trẻ, chưa có kinh nghiệm sản xuất
nông nghiệp, thiếu vốn đầu tư nên anh Quân đã quyết định tham gia Hợp tác xã
Nông nghiệp sạch và dịch vụ thanh niên Nghệ An.
Anh Lê Văn Quân cho biết: “Tham gia mô hình Hợp tác
xã Nông nghiệp sạch và dịch vụ thanh niên Nghệ An được giúp đỡ, hợp tác, mọi
người đoàn kết thì sẽ làm ra được những sản phẩm sạch, chất lượng an toàn thực
phẩm để người tiêu dùng được sử dụng những sản phẩm giá rẻ hơn ngoài chợ mà đảm
bảo chất lượng hơn.”
Cũng là một thanh niên làm kinh tế nông nghiệp từ
2 bàn tay trắng, nhưng giờ đây, sau 6 năm nỗ lực vươn lên, anh Trần Văn Đức ở
xã Thuận Sơn, huyện Đô Lương đang sở hữu 10 ha đất rừng và trang trại gà cho
thu nhập gần 1 tỷ đồng mỗi năm. Không chỉ làm kinh tế giỏi mà anh Đức còn là
người sáng lập nên Hợp tác xã Nông nghiệp sạch và dịch vụ thanh niên Nghệ An để
chia sẻ kinh nghiệm giúp các bạn trẻ khác khởi nghiệp bằng lĩnh vực sản xuất
nông nghiệp sạch.
Theo chia sẻ của Anh Trần Văn Đức: “Khi liên kết sẽ xây dựng
thương hiệu, chất lượng có nguồn gốc rõ ràng xuất xứ. Việc thuyết phục
khách hàng khó tính cũng dễ dàng hơn, khi làm nhỏ lẻ thì điều này là rất khó
khăn.”
Hợp tác xã Nông nghiệp sạch và dịch vụ thanh niên
Nghệ An hiện nay đã thu hút được các thanh niên có ý chí làm giàu từ nông nghiệp.
Không chỉ liên kết sản xuất mà hợp tác xã còn chú trọng tới khâu dịch vụ để hỗ
trợ tối đa cho các thành viên phát triển kinh tế.
Nói về cách làm của mô hình Hợp tác xã Nông nghiệp
sạch và dịch vụ thanh niên Nghệ An, anh Nguyễn Kim Hổ - thành viên Hợp tác xã
cho biết: “Chúng
tôi sẽ đảm nhận trách nhiệm chính trước khách hàng,;thường xuyên liên hệ với
các nhà kiểm định, thú y, để xin cấp các giấy tờ thủ tục kiểm định chất lượng
các sản phẩm của hợp tác xã. Chúng tôi cũng hướng tới khâu quan trọng nhất đó
là dịch vụ, mở ra các chuỗi cửa hàng sạch trên địa bàn tỉnh. Khách hàng có thể
dễ dàng kiểm tra được nguồn gốc của sản phẩm.”
Thay vì sản xuất nhỏ lẻ, đơn độc thì giờ đây, những
thanh niên cùng chí hướng làm giàu từ nông nghiệp đã đoàn kết, tập hợp lực lượng
để cùng nhau phát triển kinh tế. Hi vọng rằng ước mơ của những thanh niên sẽ được
chắp cánh để bay xa hơn. Bởi đây không chỉ là mô hình sản xuất tập thể mà còn
là hoạt động hướng tới cộng đồng, phục vụ cho nhu cầu bức thiết của người dân về
những sản phẩm nông nghiệp sạch.
Nguyễn Thị Bích Thủy