1. Mở
đầu
Từ những năm 60 của
thập niên 20, các nhà khoa học đã phát hiện ra khả năng tiêu diệt được các nguồn
bệnh trong đất gây hại cho cây trồng và kích thích cây trồng sinh trưởng phát
triển tốt hơn của nấm đối kháng Trichoderma.
Và thời gian sau đó, mở ra thời kì nấm Trichoderma
được ứng dụng rộng rãi trên thế giới và Việt Nam, sản phẩm thương mại từ nấm
đối kháng Trichoderma như thuốc trừ bệnh sinh học, phân bón vi
sinh và cải tạo đất…đã được sử dụng phổ biến. Những dạng chế phẩm này bảo vệ
cây trồng chống lại các sinh vật gây bệnh, tăng năng suất và rất thân thiện với
môi trường.
2. Nấm đối kháng Trichoderma ứng
dụng trong phòng trừ bệnh hại cây trồng
2.1. Giới thiệu về nấm đối kháng Trichoderma
Chủng nấm Trichoderma được tìm thấy
khắp mọi nơi từ những vĩ độ cực Nam và cực Bắc. Hầu hết dòng Trichoderma
đều hoại sinh, chúng phổ biến trong những khu rừng nhiệt đới ẩm hay cận
nhiệt đới, ở rễ cây, trong đất hay trên xác sinh vật đã chết, xác bã hữu
cơ hay ký sinh trên những loại nấm khác. Trichoderma spp. được tìm
thấy nhiều trong môi trường tự nhiên, đặc biệt trong môi trường đất. Chúng phát
triển trên nhiều loại cơ chất khác nhau (sáp, gỗ, các loài nấm khác). Trichoderma
spp. là nhóm vi nấm phổ biến ở đất (pH = 3 – 8) như đất nông nghiệp, đồng cỏ, rừng,
đầm muối và đất sa mạc...
Các chủng Trichoderma được sử
dụng như là các tác nhân kiểm soát sinh học theo cơ chế: cạnh tranh về chất dinh
dưỡng và không gian với các loại mầm bệnh; sản xuất enzyme phân huỷ vách tế
bào của tác nhân gây bệnh; sản xuất kháng sinh tiêu diệt mầm bệnh, thúc đẩy
phát triển của cây trồng và tăng cường cơ chế phòng thủ chủ động của cây trồng.
2.2. Một số đặc điểm chung của bệnh hại trên cây trồng
Thiệt hại của bệnh hại cây trồng thể
hiện rõ rệt ở những mặt sau: (i) Bệnh làm giảm năng suất của cây trồng: do cây
bị chết, do một bộ phận thân, cành lá, củ, quả bị huỷ hoại. Cây bị bệnh sinh
trưởng kém, còi cọc...dẫn đến năng suất giảm. Nếu dịch bệnh bùng phát có thể
làm giảm sản lượng trên diện tích rộng gây thiệt hại kinh tế lớn. (ii) Bệnh làm
giảm phẩm chất nông sản khi thu hoạch và cất trữ: giảm giá trị dinh dưỡng như
giảm hàm lượng đạm, chất béo, đường, các vitamin, các chất khoáng, ở rau quả. Chè,
thuốc lá, cà phê bị nát vụn hay mất hương vị khi chế biến, mía giảm hàm lượng
đường, bông và đay sợi ngắn và giảm độ bền, dễ đứt, sợi bông bị hoen ố khi vi
khuẩn phá hoại. Nhựa cao su kém đàn hồi khi cây bị bệnh. Vì vậy, bệnh làm giảm
phẩm chất các vật liệu dành cho công nghiệp thực phẩm, công nghiệp nhẹ. (iii) Bệnh
làm giảm giá trị thẩm mỹ của hàng hoá: bệnh loét cam gây ra những vết lở, loét
trên quả. Bệnh sẹo chanh gây ra các u lồi dạng chóp nón trên quả chanh. Bệnh thán
thư xoài tạo ra những vết đốm đen trên mặt quả các sản phẩm này khi bảo quản sẽ
bị thối hỏng. (iv) Bệnh làm giảm sức sống hoặc gây chết hom giống, mắt ghép, gốc
ghép, cành ghép, các sản phẩm nuôi cấy mô tế bào...., trong nhân giống vô tính
và giảm sức nảy mầm gây chết cây con khi bệnh nhiễm trên hạt giống. Vi sinh vật
trong khi gây bệnh cây còn tiết ra những chất độc ảnh hưởng trực tiếp đến cây bị
bệnh, gây độc cho người và gia súc. Nấm mốc vàng hại lạc, đậu tương, hạt sen tiết
ra độc tố aflatoxin gây ung thư gan ở người và động vật. Nấm gây
bệnh than đen ở lúa mì tiết ra độc tố gây độc cho người và gia súc. Nấm gây bệnh
mốc hồng ngô cũng tiết ra độc tố ở liều cao có thể gây tử vong cho người.
Nhóm các biện pháp phòng trừ bệnh cây
gồm có: biện pháp sử dụng giống chống
bệnh, giống sạch bệnh, biện pháp canh tác, biện pháp cơ giới vật lý, biện pháp
sinh học và biện pháp hóa học.
2.3. Ứng dụng nấm đối kháng Trichoderma
trong phòng trừ bệnh hại cây trồng
Biện pháp sinh học sử dụng trong phòng trừ bệnh cây có
ưu điểm: an toàn cho cây, người và gia súc, không gây ô nhiễm môi trường. Loài
vi sinh vật đối kháng hiện đang được sử dụng rộng rãi trong nhóm biện pháp sinh
học là nấm đối kháng Trichoderma.
Việc nghiên cứu nấm Trichoderma tại
Việt Nam được bắt đầu từ năm 1988 tại Viện Bảo vệ thực vật. Kết quả của một số thí nghiệm trong phòng và thí
nghiệm chậu vại cho thấy có thể nghiên cứu sản xuất nấm Trichoderma để sử
dụng trong phòng trừ nấm gây bệnh khô vằn lúa và nấm gây bệnh héo lạc. Năm 1997,
đã điều tra thu thập được 10 nguồn nấm Trichoderma và đã đề xuất qui
trình sản xuất và sử dụng chế phẩm nấm Trichoderma để phòng trừ một số nấm
gây bệnh hại cây trồng ở qui mô thủ công, sử dụng các loại phế liệu như bã mía,
cám gạo, bã đậu phụ….Chế phẩm sản xuất ra vừa là chế phẩm trừ nấm sinh học, lại
vừa là nguồn phân bón sinh học.
Ngoài ra, một số chủng nấm Trichoderma
còn có khả năng đối kháng cao với nấm bệnh gây chảy nhựa gốc, thân cành, nhánh
và thối trái sầu riêng; bệnh thối nõn và thối rễ dứa tại miền Nam.
Từ các vườn cam quýt tại Vĩnh Long, Đồng Tháp và Cần Thơ, đã có năm dòng
nấm Trichoderma spp. triển vọng đều
có khả năng khống chế sự phát triển của nấm gây bệnh thối rễ cam quýt trong điều
kiện pH thấp (3,9 – 4,2) ở đồng bằng Sông Cửu Long. Hiệu quả trị bệnh càng cao
khi đất vườn được cung cấp đầy đủ hữu cơ từ nguồn xác bã thực vật trong vườn
(10 – 15 kg/cây trưởng thành) để các dòng nấm đối kháng hoạt động hữu hiệu.
Chế phẩm Tricô-ĐHCT từ nấm Trichoderma
của Bộ môn Bảo vệ thực vật, Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng, trường Đại
học Cần Thơ có hiệu quả làm giảm tỷ lệ bệnh và chỉ số bệnh thối rễ do nấm gây bệnh
thối rễ khi trộn chế phẩm Tricô-ĐHCT vào đất trước khi trồng.
Sử dụng chế phẩm Trico-VTN (gồm Trichoderma
virens và Trichoderma asperellum) với nồng độ 0,3 – 0,4% mỗi tháng một
lần, hạn chế được sự phát triển và gây hại của bệnh do nấm gây thối rễ trên cây tiêu và ca cao
trong điều kiện vườn ươm. Trên đồng ruộng xử lý chế phẩm Trico-VTN với lượng 10
– 15 g/gốc, xử lý 4 lần từ đầu mùa mưa, cách nhau 2 tháng, kết hợp với bón phân
hữu cơ, phân bón lá, vệ sinh đồng ruộng và tiêu thoát nước có thể hạn chế sự
phát triển và lây lan của bệnh chết nhanh hồ tiêu trên đồng ruộng.
Trung tâm Công nghệ sinh học thành phố Hồ Chí Minh
đã nghiên cứu và sản xuất thành công chế phẩm sinh học BIMA có chứa
vi nấm Trichoderma là loại nấm đối
kháng có tác dụng cao trong việc thúc đẩy quá trình phân huỷ chất hữu cơ và có
nhiều tác dụng, được dùng cho các loại cây trồng.
Chế phẩm
TRICHOLAC do Trường Đại học Vinh sản xuất với thành phần gồm 3 loài nấm Trichoderma được thu thập tại vùng Bắc
Trung Bộ chuyên dùng cho các vùng thâm canh lạc. Chế phẩm này có công dụng: Phòng trừ bệnh hại lạc: bệnh
mốc vàng, bệnh thối gốc mốc đen, bệnh thối gốc mốc trắng, bệnh lở cổ rễ trên cây
lạc; Tăng năng suất lạc, cải thiện dinh dưỡng đất, tăng cường hệ vi sinh vật có
ích trong đất giúp bộ rễ cây lạc phát triển.
Một số chế phẩm sinh học thương
mại từ nấm đối kháng Trichoderma có mặt
trên thị trường Việt Nam như: TRiB1 của Viện Bảo vệ Thực vật, Tricô-ĐHCT của
trường Đại học Cần Thơ, Vi – ĐK của Tổng công ty Thuốc trừ sâu, NLU-Tri của Trường
Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh, Biobus 1.00WP của Công ty TNHH Nam Bắc…
Chế phẩm
TRICHOLAC do Trường Đại học Vinh sản xuất với thành phần chính là nấm
Trichoderma chuyên dùng phòng trừ bệnh
cho cây lạc
3. Kết
luận
Trong
những năm 90 việc nghiên cứu ứng dụng các chế phẩm sinh học ở Việt Nam để phòng
trừ sâu bệnh hại đã được các nhà khoa học quan tâm nghiên cứu. Ngày nay việc
nghiên cứu và ứng dụng chế phẩm sinh học đã được rất nhiều người quan tâm từ
các nhà khoa học đến các nhà quản lý, doanh nghiệp và người sản xuất. Chế phẩm
sinh học từ nấm đối kháng Trichoderma
là một điển hình đang được ứng dụng rất rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp. Đặc
biệt, chúng ta đang hướng tới các hình thức canh tác nông nghiệp hữu cơ, sản xuất
nông nghiệp theo các tiêu chuẩn VietGap và GlobalGAP thì các chế phẩm sinh học
nói chung và chế phẩm từ nấm đối kháng Trichoderma
nói riêng sẽ là một trợ thủ đắc lực giúp chúng ta tạo ra được các loại nông
sản chất lượng, an toàn và bảo vệ môi trường sinh thái.
TS. Hồ Thị Nhung, Viện Nông
nghiệp và Tài nguyên, Trường Đại học Vinh