Trong quý I/2017, xuất khẩu gạo không khả quan khi giảm trên
18% về lượng và 17,3 về giá so với cùng kỳ năm 2016.
Nhiều nút thắt
Lúa gạo là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của
Việt Nam trong gần chục năm qua với 6 - 7 triệu tấn được xuất khẩu mỗi năm. Việt
Nam cũng luôn là một trong ba nước xuất khẩu gạo nhiều
nhất thế giới. Hạt gạo Việt Nam đã có mặt tại hơn 150 nước trên thế giới.
Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, xuất khẩu
lúa gạo đang giảm nhanh chóng cả về số lượng lẫn giá trị. Năm 2016 vừa qua, xuất
khẩu gạo của Việt Nam đã giảm mạnh cả về khối lượng và giá trị với con số giảm
tương ứng là 25,5% và 20,5%. Tình hình tiếp tục lặp lại trong 3 tháng đầu năm
2017, xuất khẩu gạo ước đạt 1,28 triệu tấn và 566 triệu USD, giảm 18,1% về khối
lượng và giảm 17,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.
Theo TS. Đặng Quang Vinh, Ban Môi trường
kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
(CIEM), xu hướng xuất khẩu gạo vẫn đang chú trọng về số lượng, chưa chú trọng về
chất lượng. Người sản xuất cũng đang sử dụng nhiều loại giống khác nhau dẫn tới
chất lượng không đồng đều. Ngoài ra, sản xuất lúa gạo ở Việt Nam sử dụng rất
nhiều phân bón và thuốc trừ sâu, cường độ canh tác cao.
Một vấn đề khác là sản xuất manh mún, Việt
Nam có tới 14 triệu hộ nông dân nhưng đang canh tác trên 7,8 triệu mảnh đất.
Theo CIEM, 85% hộ trồng lúa có diện tích sản xuất dưới 0,5ha. Đây cũng chính là
điểm nghẽn lớn nhất đối với nông nghiệp nói chung.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Hồng Sơn – Cục trưởng
Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết: “Hiệu quả của ngành lúa gạo Việt Nam
còn thấp do tỷ lệ thất thoát cao 13,7% (Thái Lan là 6,1% và Ấn Độ là 6%). Chất
lượng gạo xuất khẩu thấp, công nghiệp chế biến sâu chưa phát triển nên khả năng
cạnh tranh trong thương mại không cao”.
Do vậy, mục tiêu xuất khẩu hơn 5 triệu tấn
gạo, trị giá 2,3 tỷ USD của Việt Nam trong năm 2017 càng trở nên khó khăn khi
Thái Lan có kế hoạch xả kho 8 triệu tấn gạo dự trữ. Trong năm vừa qua, Thái Lan
xuất khẩu được tổng cộng 9,88 triệu tấn xếp vị trí thứ hai sau Ấn Độ với 10,43
triệu tấn. Việt Nam xuất khẩu 4,95 triệu tấn.
“Thu nhập của người trồng lúa không cao,
ngay tại vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long cũng chỉ đạt trên 30 triệu đồng/ha/năm,
thấp hơn Thái Lan 2,7 lần; thấp hơn 1,5 lần so với Indonesia và Philippines”,
ông Nguyễn Hồng Sơn – Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết.
Giảm số lượng, tăng chất lượng
Theo các chuyên gia nông nghiệp, đã đến lúc
ngành sản xuất lúa gạo Việt Nam phải từ bỏ mục tiêu sản lượng để tập trung nâng
cao chất lượng, hình thành các chuỗi sản xuất và xây dựng thương hiệu.
Bộ NN&PTNT đã đặt mục tiêu đến năm
2020, đảm bảo lợi nhuận cho người trồng lúa ở vùng sản xuất lúa hàng hóa từ 30%
tổng thu trở lên, đồng thời giảm tổn thất sau thu hoạch xuống dưới 8%. Đặc biệt,
có 20 - 30% lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu gạo Việt Nam, trong đó 25 -
30% lượng gạo xuất khẩu thuộc nhóm gạo thơm và đặc sản.
Theo TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện
Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn, ngành lúa gạo cần
có sự đột phá về phương thức sản xuất. Quy mô sản xuất có thể nhỏ lại nhưng chất
lượng phải tăng lên. Lượng gạo xuất khẩu có thể giảm nhưng giá trị, hiệu quả và
thu nhập của người trồng lúa phải được nâng cao, sản xuất bền vững hơn.
Để nâng cao chất lượng, giá trị gạo Việt
Nam, Bộ NN&PTNT đã giao Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản triển
khai rà soát, xây dựng mới 3 tiêu chuẩn Việt Nam về gạo. Dự kiến, cuối quý
I/2017, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản sẽ hoàn thiện dự thảo 3
tiêu chuẩn này để trình Bộ KH&CN thẩm định, công bố.
Để tháo gỡ khó khăn về đất đai, Giám đốc Sở
NN&PTNT tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho rằng: “Chúng ta phải tích tụ ruộng đất
nhưng không có nghĩa là nông dân mất đất canh tác, mà phải tạo ra “ngân hàng đất
đai”. Người nông dân góp đất như góp cổ phần hoặc trở thành công nhân nông nghiệp
cho chính DN thuê lại ruộng đất. Như vậy, việc tích tụ ruộng đất sẽ bền vững,
không gây bất ổn xã hội”.
Ngoài ra, các chuyên gia nông nghiệp còn kiến
nghị sửa đổi những quy định không bình đẳng tại Nghị định 109/2010/NĐ-CP về
kinh doanh xuất khẩu gạo. Ông Đào Thế Anh, Phó Viện trưởng Viện Cây lương thực
và Cây thực phẩm cho rằng, phải chuyển từ cơ chế quản lý xuất khẩu theo khối lượng
sang theo chất lượng. Không để tình trạng, một số DN sản xuất lúa hữu cơ ở Cà
Mau, không có giấy phép xuất khẩu phải nhờ quyền xuất khẩu của DN khác để xuất
khẩu sản phẩm của chính mình.
Thái
Thị Phương Thảo
(Nguồn: http://cafef.vn/xuat-khau-gao-chuyen-tu-luong-sang-chat-20170403133200117.chn)