Việt
Nam là quốc gia ven biển, có hệ thống sông ngòi đa dạng với mật độ dày nên giàu
tiềm năng và truyền thống phát triển ngành thủy sản. Trong thời kỳ hiện đại, có
thể chia quá trình phát triển của ngành thành 2 giai đoạn là trước và sau khi đổi
mới (1986), với những đặc trưng riêng. Ngày 1/4/1959 đã được lựa chọn như một
điểm mốc lịch sử, đánh dấu tầm nhìn mới của Đảng và Nhà trong đánh giá và định
hướng phát triển ngành thủy sản nước ta.
Năm
nay, nhân kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống ngành thủy sản Việt Nam (1/4/1959 –
1/4/2019), Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cũng như nhiều tỉnh thành
trong cả nước đã tổ chức các hoạt động chào mừng và đánh dấu sự phát triển,
cùng với vai trò ngày càng cao của ngành thủy sản trong nền kinh tế quốc dân và
sự nghiệp bảo vệ tổ quốc.
Tổng cục Thủy sản tổ chức họp báo thông tin về các hoạt động hướng tới kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống
Những “dấu mốc” trong
quá trình phát triển ngành
Trước
năm 1986, do hậu quả chiến tranh và nền kinh tế Việt Nam vận hành theo mô hình
kế hoạch hóa, tập trung bao cấp, cho nên ngành thủy sản chủ yếu đáp ứng nhu cầu
tự cung tự cấp, thiên về khai thác tự nhiên. Sau năm 1986, đất nước đổi mới
chuyển dịch sang cơ chế kinh tế thị trường, ngành thủy sản cũng đã nhanh chóng
phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa để cung ứng cho thị trường trong và
ngoài nước, từng bước đạt đến cân bằng giữa đánh bắt với nuôi trồng và phát triển
mạnh mảng chế biến.
Từ
những năm 1950, đánh giá được tầm quan trọng và sự đóng góp mà nghề cá có thể
mang lại, cùng với quá trình khôi phục và phát triển kinh tế ở miền Bắc, Đảng
và Nhà nước ta đã bắt đầu quan tâm phát triển ngành thủy sản, từng bước hình
thành các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
Năm
1954, Vụ Ngư nghiệp thuộc Bộ Nông Lâm đã được thành lập. Trong thời kỳ này, với sự giúp đỡ của các nước
XHCN, các đơn vị đánh bắt và chế biến hải sản như Hạ Long, Việt - Đức, Việt -
Trung, nhà máy cá hộp Hạ Long,… đã được hình thành, phong trào hợp tác hoá nghề
cá cũng được triển khai rộng khắp.
Năm
1960, Tổng Cục Thuỷ sản được hình thành. Đây là giai đoạn đất nước đang bị chiến
tranh nên cán bộ và ngư dân ngành thuỷ sản hoạt động theo phương châm “vững tay
lưới, chắc tay súng”. Năm 1976, sau khi hòa bình lập lại, Bộ Hải sản ra đời và
rồi được tái cơ cấu thành Bộ Thủy sản vào năm 1981. Đến tháng 8/2007, Bộ Thuỷ sản
sát nhập vào Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành được quản lý trực tiếp
bởi Tổng cục thủy sản từ đó.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại buổi lễ Chào mừng 60 năm ngày truyền thống thủy sản Việt Nam (Nguồn VOV)
Ngành
thuỷ sản có thể được coi là một ngành đi tiên phong trong quá trình đổi mới,
chuyển hướng sang kinh tế thị trường. Sau đổi mới (1986), ngành thủy sản đã đạt
được những bước tăng trưởng rất ấn tượng. Năm 1995, kim ngạch xuất khẩu thủy sản
Việt Nam lần đầu tiên cán đích 500 triệu USD. Mười năm sau đó (2005) con số này
tăng gấp 2,5 lần (lên 2,5 tỷ USD) và 20 năm sau (2015) đã đạt tới 6,72 tỷ USD.
Năm 2018 vừa qua, chưa tính đến giá trị tiêu thụ nội địa, kim ngạch xuất khẩu
thủy sản đã mang về cho đất nước trên 9 tỷ USD. Và hiện nay, Bộ Nông nghiệp
& Phát triển nông thôn đang triển khai chương trình mục tiêu đạt 10 tỷ USD vào
năm 2025 đối với chuỗi giá trị tôm. Ngành thủy sản đã phát triển không ngừng, từ
một ngành nhỏ lẻ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Ngoài ra, ngành
còn được ghi nhận về những đóng góp to lớn trong sự nghiệp bảo vệ biên giới, biển
đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Vì sao ngày 1/4 được chọn
làm ngày truyền thống của ngành thủy sản?
Cách
đây 60 năm (1959), vào dịp cuối tháng 3 – đầu tháng 4, trong chuyến thăm và kiểm
tra tình hình kinh tế- xã hội tại một số đảo thuộc vùng Đông Bắc, Hồ Chủ
Tịch đã tới thăm đảo Cát Bà và dừng chân tại nhiều điểm như Bến Gót và cảng cá
Cát Bà, gặp gỡ các gia đình ngư dân và chiến sỹ trên đảo. Bác căn dặn các chiến
sỹ, “Tiền đồ của cá nhân không thể tách rời tiền đồ của tổ quốc, của nhân dân.
Nếu muốn tách rời tiền đồ của nhân dân thì chỉ có cách nhảy xuống biển, như người
thủy thủ rời khỏi con tầu”. Bác cũng đã phát biểu trước cán bộ và ngư dân trên
đảo rằng: “rồi đây phải đưa máy móc vào nghề cá. Đảng và Chính phủ sẽ giúp đỡ
bà con sắm thêm thuyền lưới tốt hơn”, như một định hướng cho ngành.
Bác Hồ kéo lưới cùng ngư dân Sầm Sơn nhân dịp đến thăm vào tháng 7.1960 (Nguồn internet)
Ngoài
chuyến thăm lịch sử tới đảo Cát Bà, từ năm 1956 cho đến khi mất, Hồ Chủ Tịch còn
nhiều lần tới thăm các vùng biển đảo khác như Tuần Châu, Hòn Rồng, Cồn Cỏ, Vạn
Hoa, Bạch Long Vĩ, Sầm Sơn.... Trong những chuyến thăm như vậy, Bác đã nhắc nhở,
“Đồng bằng là nhà, mà biển là cửa. Giữ nhà mà không giữ cửa thì kẻ gian sẽ vào
cửa trước. Vì vậy ta phải giáo dục cho đồng bào biết bảo vệ bờ biển... Nếu mình
không lo bảo vệ miền biển, thì đánh cá, làm muối cũng không yên. Cho nên một
nhiệm vụ quan trọng của đồng bào miền biển là phải bảo vệ bờ biển. Đồng bào miền
biển là người canh cửa cho Tổ quốc”. Đặc biệt với đảo Cô Tô, Bác đã nhiều lần đến
thăm và là nơi duy nhất được Người đồng ý cho xây dựng tượng đài ngay khi mình
còn sống. Tượng đài Hồ Chí Minh đưa tay chào, mắt hướng ra biển Đông là hình ảnh
giàu ý nghĩa giáo dục về chủ quyền thiêng liêng của Tổ Quốc.
Để
ghi nhớ các sự kiện này, năm 1979, ngành Thủy sản đã chọn ngày 1/4 hàng năm để
tổ chức “Ngày hội truyền thống Ngành thủy sản”. Năm 1995, Thủ tướng Chính phủ
ra quyết định tổ chức ngày truyền thống ngành Thuỷ sản 1/4 hàng năm, để động
viên và giáo dục tinh thần yêu ngành nghề trong cán bộ, công nhân viên và ngư
dân ngành thuỷ sản. Kể từ đó, đến ngày 1/4 hàng năm, Ngành Thủy sản cả nước đều
tổ chức kỷ niệm ngày truyền thống của mình.
Ông Trần Quốc Thành, Nguyên Giám đốc Sở Thủy sản Nghệ An, hiện là Giám đốc Sở KH&CN Nghệ An phát biểu nhân dịp tham dự buổi lễ kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam do sở NN &PTNT tổ chức
Cần
chú ý rằng, sự trùng hợp của Ngày truyền thống ngành thủy sản Việt Nam (1/4) với
Ngày cá Tháng 4 của thế giới (Ngày nói dối) chỉ là sự trùng hợp, do ngẫu nhiên hoặc
do thông tin về ý nghĩa Ngày cá Tháng Tư thời đó còn rất hạn chế nên không được
chú ý, tuy nhiên, hai sự kiện kỷ niệm này là hoàn toàn độc lập, không liên quan
đến nhau.
Nguyễn Thức Tuấn