Nghệ An đang tập trung hoàn thành quy hoạch xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Theo đó đến 31/12/2011, Nghệ An hoàn thành công tác quy hoạch nông thôn mới cho 435 xã trong toàn tỉnh và đến năm 2015, có 20% số xã và đến năm 2020 có 50% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới. Tuy nhiên, với đặc thù về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội khó khăn thì việc xây dựng nông thôn mới ở Nghệ An không đơn giản.
Hiệu quả tích cực từ chương trình nông thôn mới ở Nghệ An
Chương trình xây dựng NTM ở Nghệ An thực hiện khá thuận lợi, đến nay đã đạt được những hiệu quả tích cực, kết quả đó chứng minh sự đúng đắn, hiệu quả của chương trình. Diện mạo của nông thôn ở Nghệ An có nhiều thay đổi theo chiều hướng tích cực, đời sống của người dân được nâng lên. Đó là những hiệu quả mà chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) đã đem lại cho người dân tỉnh Nghệ An. Đến hết năm 2011 sẽ hoàn thành công tác quy hoạch NTM theo Quyết định số 193/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Hiện tại ở Nghệ An chương trình xây dựng NTM được xem là “một luồng sinh khí mới” làm thay đổi toàn diện nông thôn. Mục tiêu của chương trình là tập trung xây dựng NTM có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ và đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hoá dân tộc và xứ Nghệ; môi trường sinh thái đựợc bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Hiện nay, tại Nghệ An nhiều huyện đã kiện toàn lại ban chỉ đạo, tổ giúp việc cấp huyện, ban quản lý cấp xã, ban giám sát cộng đồng. Ở cấp xã đã thành lập xong ban quản lý chương trình NTM cấp xã, ban giám sát cộng đồng. Nhìn chung các địa phương đã tổ chức triển khai điều tra đúng tiến độ, đến nay, 435/435 xã đã ký hợp đồng với đơn vị tư vấn, 81% số xã đã triển khai công tác quy hoạch.
Về các xã được chọn làm thí điểm xây dựng NTM ở Nghệ An như: Diễn Xuân (Diễn Châu), Nghĩa Mỹ (Nghĩa Đàn), Nghĩa Xuân (Quỳ Hợp), Khánh Thành (Yên Thành)… chúng tôi thấy bộ mặt nông thôn ở đây có nhiều khởi sắc, đời sống người dân phát triển đi lên. Không giấu được niềm vui, bác Nguyễn Văn Long, xã Nghĩa Mỹ, Nghĩa Đàn cho biết: “Xã nghèo, người dân chủ yếu sống dựa vào sản xuất nông nghiệp nên cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Thời gian gần đây nhờ Nhà nước thực hiện chương trình xây dựng NTM mà quy hoạch, cơ sở hạ tầng được đầu tư nâng cấp, kinh tế phát triển, tỷ lệ hộ đói nghèo giảm, đời sống của bà con khấm khá lên”.
Huyện Hưng Nguyên đầu tư máy liên hợp gặt đập đưa vào sản xuất
Những thánh thức...
Để thực hiện chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Tỉnh Nghệ an đề ra mục tiêu đến năm 2015: 20% số xã, tương đương 90 xã và đến năm 2020: 50% số xã, tương đương 230 xã đạt tiêu chuẩn NTM theo tiêu chí tại Quyết định 491/QĐ-TTg. Một số chỉ tiêu cụ thể được tỉnh đề ra, đó là đến năm 2015 có 35% số xã các trục đường trong xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; 30% số xã có nhà văn hóa xã, thôn; 50% số xã đạt chuẩn về y tế. Nhưng với đặc thù về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội khó khăn như ở Nghệ An thì để các mục tiêu trên trở thành hiện là cả thách thức lớn.
Nghệ An hiện có 435 xã, sau khi tiến hành điều tra, đánh giá hiện trạng nông thôn trong năm 2010, trong 19 tiêu chí Trung ương đề ra thì không có xã nào đạt từ 13 tiêu chí trở lên, chỉ có 26 xã đạt đạt 9 tiêu chí, và 50 xã không đạt được một tiêu chí nào. Hết năm 2010, toàn tỉnh Nghệ An mới có 28 xã hoàn thành phê duyệt quy hoạch NTM (chỉ đạt trên 5%).
Xuât phát từ tình hình phát triển kinh tế thấp nên trong 19 tiêu chí của mục tiêu đặt ra thì ở Nghệ An, tiêu chí nào cũng là thách thức. Nhưng trong đó có những tiêu chí dường như khó có thể đạt được. Ví như tiêu chí thu nhập phải đạt 1,4 lần so với thu nhập bình quân của cả tỉnh, tiêu chí chỉ còn 35 % tỷ lệ lao động sản xuất nông nghiệp, trong khi hiện tại là trên 70 % lao động đang trực tiếp sống bằng nghề nông. Việc đào tạo nghề và chuyển đổi môi trường làm việc cho nông dân không phải chuyện ngày một, ngày hai.
Ngoài việc nhận thức của người dân và trình độ của cán bộ địa phương còn rất thấp thì nguồn ngân sách để thực hiện các mục tiêu cũng là bài toán chưa có lời giải. Theo quyết định 800/QĐ-Ttg ngày 4/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ, nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu trên địa bàn chỉ khoảng 23%, theo chỉ tiêu của quyết định này thì năm 2011, ngân sách được cấp chỉ có 76 tỷ đồng trong khi tỉnh cần tới 1.950 tỷ đồng. Về mục tiêu đường giao thông thì các tuyến đường trục xã phải được nhựa hóa hoặc bê tông hóa 100%, các tuyến đường trục thôn, xóm phải được cứng hóa 70%, trong khi ngân sách xây dựng vừa thiếu lại vừa phải đền bù cho dân khi mở rộng các tuyến giao thông; tiêu chí tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 5%, trong khi số hộ nghèo toàn tỉnh Nghệ An đang ở con số 25% .
Một số xã kinh tế phát triển khá như xã chuyên canh rau cao cấp Quỳnh Lương, huyện Quỳnh Lưu, tỷ lệ 90% người trực tiếp làm nông nhiệp. Việc đào tạo nghề và thay đổi tập quán sản xuất là điều khó thực hiện trong thời gian dài. Theo tính toán của lãnh đạo huyện Nam Đàn, muốn xây dựng thành công mô hình nông thôn mới, mỗi xã phải cần 150-200 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách chỉ đạt 40%, còn lại phải huy động từ các nguồn khác là một thách thức cực kỳ khó khăn.
Trên địa bàn tỉnh, nông thôn phát triển thiếu quy hoạch hoặc quy hoạch thiếu vững chắc; kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội thiếu đồng bộ, đô thị hóa nông thôn còn mang tính tự phát, cảnh quan bị phá vỡ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động còn chậm. Trong khi đó, nông thôn Nghệ An rộng lớn, địa hình phức tạp, chịu nhiều tác động của thiên tai; xuất phát điểm của nông thôn Nghệ An thấp hơn so với bình quân cả nước.
Những giải pháp cấp bách...
Bên cạnh những thuận lợi thì trong quá trình thực hiện chương trình xây dựng NTM tại Nghệ An cũng gặp nhiều khó khăn như: Cơ sở hạ tầng lạc hậu, người dân còn có tư tưởng ỷ lại, trông chờ, thiếu kinh phí, thiếu kinh nghiệm trong triển khai, quy hoạch chồng chéo,…Vì vậy để chương trình phát huy được hiệu quả một cách tốt nhất cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành, cần có sự đồng thuận cao giữa chính quyền các cấp và người dân.
Khắc phục những hạn chế trên, theo ông Phan Đình Trạc, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An cho biết, Nghệ An sẽ tập trung xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa Xứ Nghệ.
Theo ông Nguyễn Văn Chỉnh, Phó chủ tịch UBND TP Vinh cho biết: “Xây dựng NTM là chương trình rất có ý nghĩa, hiện tại chương trình thực hiện khá tốt ở TP Vinh đến cuối năm 2011 sẽ hoàn thành công tác quy hoạch NTM trên địa bàn. Trong quá trình thực hiện có rất nhiều dự án của các chủ đầu tư khác nhau dẫn đến chồng chéo trong quy hoạch làm cho việc thực hiện xây dựng NTM gặp khó khăn vì cùng trên địa bàn một dự án treo thì ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện các dự án trong chương trình. Để thực hiện tốt cần đưa ra một lộ trình thực hiện các dự án, từ đó có sự phối hợp nhằm thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng NTM”.
Theo ông Đinh Viết Hồng - Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, để thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng NTM sẽ tập trung đôn đốc các địa phương tập trung triển khai xây dựng NTM. Đặc biệt để nhân dân nắm bắt tầm quan trọng của chương trình này thì cần làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn địa phương xây dựng quy hoạch phù hợp với điều kiện của mình. Cơ quan thường trực là Sở NN&PTNT cần hướng dẫn cho các địa phương trong công tác giải ngân. Trong thời gian tới, sẽ thành lập 2 đoàn kiểm tra đôn đốc công tác triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM ở tất cả các huyện thành thị trên địa bàn tỉnh.
Theo ông Nguyễn Thọ Cảnh, Giám đốc sở NN&PTNT Nghệ An, Phó ban chỉ đạo Chương trình nông thôn mới, trước mắt các huyện và từng địa phương cần nâng cao nhận thức của cán bộ và người dân về mục tiêu, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ…trong công tác triển khai quy hoạch cho cán bộ địa phương. Việc đào tạo nghề, chuyển đổi nghề nghiệp cho lao động nông thôn phù hợp vời điều kiện của từng xã, các doanh nghiệp phải chủ động dạy nghề, cung cấp nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm để người lao động ổn định cuộc sống.
Cùng với nguồn vốn của Trung ương hỗ trợ cho dự án, tỉnh phải chủ động tối đa các nguồn lực của tỉnh, của huyện và xã. Việc vận động các doanh nghiệp tham gia chương trình bằng việc trực tiếp thực hiện các dự án tại điạ phương, các cơ quan , chính quyền phải tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp hoàn thành các dự án. Tiếp tục kêu gọi các tổ chức Quốc tế hỗ trợ chương trình. Hiện nay, toàn tỉnh Nghệ An mới có được một dự án ODA Hàn Quốc tham gia xây dựng mô hình nông thôn mới tại xã Diễn Xuân, huyện Diễn Châu là quá ít. Trước mắt tỉnh phải có nhiều cơ chế ưu đãi đặc biệt để các tổ chức nước ngoài đầu tư các dự vào vào vùng nông thôn, ưu tiên cho các dự án cần nhiều lao động để tạo việc làm cho người lao động.
Với kết quả bước đầu đạt được tạo những thuận lợi bước đầu nhưng để xây dựng thành công chương trình nông thôn ở Nghệ An còn rất nhiều thách thức đang phải đối mặt, cần phải có giải pháp đồng bộ và hiệu quả, huy động tối đa nội lực của tỉnh, sự tham gia của Nhà nước và nhân dân cùng làm, tổ chức trong và ngoài nước.
Tài liệu tham khảo
1. Thành Chung, Baonghean, 10/10/2011
2. Viết Hùng, Nghệ An: Hoàn thành qui hoạch nông thôn mới, tintuc.vnanet.vn, 2011
2. Nguyễn Văn, Năm 2011, Nghệ An hoàn thành quy hoạch nông thôn mới, baodientu.chinhphu.vn, 16/04/2011
3. Lan Xuân, Nghệ An: Chương trình nông thôn mới – mục tiêu xa vời, baodautu.vn, 09/2011
Nguyễn Thị Thúy – Chi Đoàn Cán Bộ Khoa Nông Lâm Ngư