Diễn Châu là một trong
những huyện có diện tích trồng lạc lớn nhất của tỉnh Nghệ An ở cả vụ Xuân (3.174
ha) và vụ Đông (500ha). Các xã có cánh đồng trồng lạc lớn như: Diễn Trung (445
ha), Diễn Thịnh (430 ha), Diễn Hùng (220 ha), Diễn Thành (180 ha),… Hiện nay,
cơ cấu giống chủ yếu trên địa bàn huyện Diễn Châu vẫn là lạc Sen Nghệ An, L14,
L23, L26… Trong đó lạc Sen và L14 vẫn là các giống chủ lực.
Hình 1. Mô hình trồng giống
lạc Sen vụ Xuân 2017 tại xã Diễn Thịnh
Lạc Sen là một giống bản địa của Nghệ An, với
nhiều ưu điểm: Có chất lượng cao như hàm lượng chất béo đạt 45,79%,
protein đạt 27,99%, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, có hương vị thơm ngon rất
đặc trưng; củ to, đều, có vỏ quả mỏng, tỷ lệ nhân rất khá (>72%), năng
suất cao và ổn định; chống chịu hạn và chịu úng tốt, khả năng kháng sâu bệnh ở
mức khá, có khả năng thích ứng với nhiều chất đất khác nhau….Tuy nhiên, do nông
dân tự để giống bằng kinh nghiệm dân gian trong thời gian dài nên lạc Sen bị
thoái hóa nghiêm trọng.
Sau gần 6 năm nghiên cứu và chọn lọc, Thạc sỹ
Nguyễn Tài Toàn và nhóm nghiên cứu – Viện Nông nghiệp và Tài nguyên, Trường Đại
học Vinh phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Diễn Châu, UBND xã Diễn
Hoa đã phục tráng thành công giống lạc Sen này. Cùng trong khoảng thời gian
này, Trạm Khuyến nông huyện Diễn Châu đã triển khai xây dựng mô hình sản xuất
giống vụ Đông 2015 với quy mô 2 ha tại xã Diễn Hoa nhằm cung ứng giống cho
người dân trên địa bàn huyện. Năng suất lạc giống đạt từ 26 – 28 tạ/ha, cao hơn
các giống khác tại địa phương từ 3 – 4 tạ/ha.
Nhằm sản xuất ra sản phẩm nông sản an toàn, mở
rộng thị trường, đưa thương hiệu lạc Sen Nghệ An đến các vùng trong nước và
quốc tế. Viện Nông nghiệp và Tài nguyên, Trường Đại học Vinh đã phối hợp với
UBND huyện Diễn Châu và Tập đoàn TH xây dựng mô hình “Trồng lạc Sen theo tiêu
chuẩn VietGAP” trên địa bàn xã Diễn Thịnh và Diễn Lộc với quy mô 20 ha.
Hình 2. Tập huấn cho người
dân tham gia mô hình
Mô hình được triển khai từ tháng cuối tháng 1
năm 2017. Tham gia mô hình, người dân được hỗ trợ 30% giống, 30% vật tư,
phân bón, thuốc bảo vệ thực vật từ Tập đoàn TH và được bao tiêu sản phẩm đầu ra
ngay tại đồng ruộng với giá 12.000 đ/kg lạc tươi; được Viện Nông nghiệp và Tài
nguyên, Trường Đại học Vinh tập huấn về kỹ thuật trồng lạc Sen theo tiêu chuẩn
VietGap.
Hình 3. Thu mua lạc tươi ngay
tại đồng ruộng
Ông Cao Đức Thịnh, Khuyến nông xã Diễn Thịnh
chia sẽ: Sau 4 tháng triển khai, giống lạc Sen được tuyển chọn làm mô hình sinh
trưởng, phát triển mạnh ngay từ đầu, thời gian ra hoa kéo dài hơn các giống lạc
khác từ 2 – 3 ngày, giai đoạn ra hoa gặp mưa to nhưng giống lạc Sen chịu úng
tốt, củ rất nhiều, có những cây đạt 40 – 50 củ; năng suất đạt khá cao từ 1,7 –
1,8 tạ/sào (34 – 36 tạ/ha) cao hơn các giống lạc khác làm tại địa phương là 3 –
4 tạ/ha. Với giá 12.000 đ/kg lạc tươi, lãi 1,5 – 2,0 triệu đồng/sào. Mô hình
đem lại hiệu quả lớn cho người nông dân, giúp người dân hiểu rõ về kỹ thuật
trồng lạc theo VietGAP, tạo ra sản phẩm an toàn, những hộ được tham gia làm mô
hình rất phấn khởi, vui mừng khi thu hoạch.
Ông Phan Xuân Vinh – Phó Chủ tịch UBND huyện
Diễn Châu cho biết: Sự thành công và nhân rộng được hình đã khẳng
định được năng suất và chất lượng giống lạc Sen bản địa, tạo ra được thương
hiệu lạc cho địa phương, đồng thời góp phần nâng cao thu nhập cho người dân,
giúp người nông dân nâng cao hiểu biết và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật
vào trồng và thâm canh cây lạc. Trong thời gian tới UBND huyện sẽ tiếp tục phối
hợp với Viện Nông nghiệp và Tài nguyên, Trường Đại học Vinh và Tập đoàn TH tiếp
tục nhân rộng mô hình này trên địa bàn huyện./.
Tin và ảnh: Nguyễn Tài
Toàn