Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) là một FTA
thế hệ mới giữa Việt Nam và 28 nước thành viên EU. EVFTA, cùng với Hiệp định Đối
tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), là hai FTA có phạm vi cam kết rộng và mức độ
cam kết cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay.
Ngày 1/12/2015 EVFTA đã chính thức kết thúc đàm phán và đến
ngày 1/2/2016 văn bản hiệp định đã được công bố. Hiện tại, hai bên đang tiến
hành rà soát lại văn bản hiệp định và lên kế hoạch ký kết hiệp định trong năm
2016. Dự kiến EVFTA sẽ có hiệu lực từ năm 2018.
EU
- Việt Nam, hai nền kinh tế ở hai vùng khí hậu, thổ nhưỡng khác nhau, nên nông
sản đặc thù và nền văn hóa ẩm thực cũng rất khác biệt. Nhờ vậy, hai bên bắt tay
hợp tác sẽ mang tính bổ trợ, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp.
Kim ngạch thương mại tăng nhanh
Những năm qua, thương mại Việt
Nam - EU liên tục tăng trưởng. Cơ cấu hàng hóa giao thương đan xen, nhưng nhìn
chung, Việt Nam liên tục xuất siêu, trong đó có mặt hàng nông, lâm, thủy sản.
Năm 2015, xuất khẩu (XK) của Việt Nam sang EU đạt 3,8 tỷ USD, thặng dư thương
mại đạt 2,3 tỷ USD, gấp 6,3 lần năm 2000. Tốc độ tăng trưởng XK của Việt Nam
sang EU đạt 14,5%/năm. Gần đây, Việt Nam đã nhập khẩu thịt, sữa, hoa quả… từ
Hoa Kỳ, New Zealand, song hàng EU vẫn chiếm đáng kể trong thị phần nông
sản.
Ngân hàng Thế giới dự báo, đến
năm 2030, thương mại Việt Nam - EU sẽ tăng hơn 11 lần so với 2016.
Tương lai rộng mở
Sau hơn 30 năm Việt Nam thu hút
đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nhưng nông nghiệp chỉ chiếm 3,22% tổng số dự
án và 1,47% tổng số vốn FDI. Vì vậy, sự kỳ vọng FDI từ EU là hoàn toàn có cơ
sở.
Theo Phòng Thương mại châu Âu tại
Việt Nam (EuroCham), EU sẽ đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao đầy
tiềm năng không chỉ là vốn mà còn vì cơ hội đẩy mạnh chuyển giao giải pháp công
nghệ cao từ sản xuất, chế biến nông phẩm… Sự dồi dào về vốn, cộng với trình độ
công nghệ tiên tiến của EU, nếu Việt Nam "hấp thụ" được, sẽ là cơ hội
"kép" cho ngành nông nghiệp, nhất là khi đầu ra của nhiều nông phẩm
đã, đang và còn phụ thuộc vào thị trường láng giềng khổng lồ có tiếng là
"thị trường dễ tính", song đổi lại là muôn kiểu rủi ro.
Cơ hội lớn
Nhu cầu của EU về nông phẩm nhiệt
đới lớn nhưng Việt Nam chưa đáp ứng được nhiều. Vì vậy, cơ hội sẽ mở ra khi
EVFTA có hiệu lực. Trước hết, nhiều mức thuế nhập khẩu các loại nông phẩm vào
EU sẽ giảm, đơn cử như thuế mật ong vào EU hiện là 17,3% sẽ được đưa về 0%.
Hàng hóa chế biến từ nông phẩm có nguồn gốc từ hai bên cũng sẽ được ưu đãi thuế
quan so với các sản phẩm khác nguồn nguyên liệu ngoài khối. "Khoảng
trống" thị phần cùng với giảm thuế sẽ nhân lên cơ hội cho xuất khẩu nông
phẩm vào EU.
Hai bên cần thực hiện nghiêm ngặt
minh bạch hóa thông tin về chính sách của mình. Giảm can thiệp của nhà nước thay
vào đó là hỗ trợ, thuận lợi hóa môi trường kinh doanh bằng cơ chế minh
bạch.
So với hàng hóa của các ngành
khác, nhiều nông phẩm của Việt Nam chưa có thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, có khi
sản phẩm xuất khẩu phải "núp bóng" thương hiệu ngoại bị cảnh báo,
thậm chí trả về. Vì vậy, cam kết về thương hiệu, chỉ dẫn địa lý trong EVFTA là
điểm nhấn đối với nông nghiệp. Việc Dự án EU – MUTRAP giúp xây dựng thương hiệu
"Nước mắm Phú Quốc" là "trái chín sớm" về sự hỗ trợ thiết
thực của EVFTA.
Đáng chú ý, ưu tiên tăng cường
thương mại EU - Việt Nam là mục tiêu xuyên suốt trong EVFTA. Điều này được thể
hiện qua một số cam kết trong Hiệp định:
Tạo điều kiện cho hai bên tham
gia, mở rộng thương mại, không áp dụng hạn chế liên quan đến: (1) số lượng
doanh nghiệp tham gia; (2) trị giá giao dịch; (3) tần suất hoạt động; (4) vốn
góp của nước ngoài; (5) hình thức của pháp nhân; (6) số lượng thể nhân được
tuyển dụng.
EVFTA quy định trước khi đưa ra
các biện pháp phòng vệ thương mại tạm thời, đặc biệt là trước khi đưa ra quyết
định cuối cùng, các bên phải cung cấp các thông tin đầy đủ đã được sử dụng.
Thời gian phải đủ để đối tác giải trình khi bị điều tra.
Về vệ sinh an toàn thực phẩm,
kiểm dịch động, thực vật ( SPS), hai bên không tạo ra những quy định cản trở
thương mại song phương và công nhận hiệu lực các biện pháp SPS của nhau.
Với mục đích vừa tạo thuận lợi
nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát hàng hóa thông quan, hai bên phải đăng tải công
khai các thủ tục hải quan về xuất nhập khẩu, có đầu mối thông tin để thông báo;
xử lý những tranh chấp, phí phải tương xứng với chất lượng dịch vụ...
"Cửa" sẽ mở, song với
hành trang hiện hữu, doanh nghiệp Việt Nam không thể chủ quan. Nếu không
"nhanh chân, sải bước" thì cơ hội sẽ dịch xa, thách thức sẽ càng
lớn.
Vượt qua thách thức
Do nền nông nghiệp nước ta ở vạch
xuất phát thấp, muốn xuất khẩu nông phẩm đạt tiêu chuẩn EU, là khó. Đơn cử như
mật ong Việt Nam thường vướng quy định về mức glycerinne, chỉ số HMF, tạp chất
9, đặc biệt là dư lượng carbendazim. Nguồn sữa nguyên liệu trong nước chỉ cung
cấp được 20- 25% nhu cầu chế biến, còn lại phải nhập khẩu, khó kiểm soát đầu
vào. Bao bì gỗ, pallet hay vành đệm giá kệ, các vật liệu đóng gói khác đều phải
được xử lý nghiêm ngặt.
Đáp lại việc EU giảm thuế đối với
hàng Việt Nam, Việt Nam cũng cần có các cam kết tương ứng. Khi EVFTA có hiệu
lực, Việt Nam xóa bỏ ngay các dòng thuế hiện hành theo lộ trình từ 3-5 năm. Dù
dư địa do giảm thuế không nhiều, song cũng đủ khích lệ các nhà nhập khẩu Việt
Nam "khuân hàng về".
Không cách nào khác, các doanh nghiệp
cần chủ động nắm bắt, đầu tư, cải tiến mẫu mã, đáp ứng yêu cầu kiểm soát chất
lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả cạnh tranh.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng
cần nắm vững các quy định về phòng vệ thương mại, thông tin có liên quan đến
hàng hóa để giải trình, phản biện. Các cơ quan quản lý không chỉ tăng cường phổ
biến, mà còn tích cực kiểm tra, hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh
nghiệp và tạo môi trường thông thoáng nhất để cùng đạt mục tiêu phát triển xuất
khẩu bền vững nông sản vào EU.
Nguồn: http://baocongthuong.com.vn/hiep-dinh-evfta-van-hoi-cho-nong-nghiep-viet-nam.htmlhttp://www.trungtamwto.vn/chuyen-de/vefta
St: Nguyễn Thị Thúy, Viện Nông nghiệp và Tài Nguyên, Đại
học Vinh