Trong khuôn khổ Hợp đồng số 112016/HĐHT/BAB-ĐHV ngày 24 tháng 11 năm 2016 giữa Ngân hàng TMCP Bắc Á và Trường Đại học Vinh về việc triển khai dự ánỨng dụng tiến bộ KHKT xây dựng vùng sản xuất lạc, vừng chất lượng cao theo hướng VietGap tại huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An” do ThS. Nguyễn Tài Toàn làm chủ nhiệm. Trong vụ Xuân 2017, dự án được thực hiện trên quy mô 20 ha tại 2 xã Diễn Thịnh (15 ha) và Diễn Lộc (05 ha) với 204 hộ tham gia xây dựng mô hình. Trước khi tiến hành gieo trồng, toàn thể các hộ dân đã được cán bộ của Khoa Nông Lâm Ngư, Trường Đại học Vinh tập huấn các nội dung về VietGap trên cây lạc. Cụ thể: Quy trình kỹ thuật thâm canh lạc theo hướng VietGap; Quy trình sử dụng phân bón an toàn; Quy trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; Ghi chép sổ sách và truy nguyên nguồn gốc. Cho đến nay, các nội dung thực hiện mô hình đã cơ bản hoàn thành theo đúng kế hoạch. Ngày 12/05/2017, Trường Đại học Vinh phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Diễn Châu và UBND xã Diễn Thịnh tổ chức Hội thảo đầu bờ nhằm đánh giá hiệu quả mô hình và bàn giải pháp nhân rộng. Sau hơn 4 tháng triển khai, năng suất lạc bình quân của mô hình đạt 39,89 tạ/ha, cao nhất tại xóm 14 xã Diễn Thịnh (48,80 tạ/ha), tiếp theo đó là xóm 16 xã Diễn Thịnh và xóm 15 xã Diễn Lộc (38,66 tạ/ha). Thấp nhất tại xóm 10 xã Diễn Lộc, chỉ đạt 36,00 tạ/ha. Sau khi trừ đi chi phí sản xuất, mỗi ha cho lợi nhuận 23.120.000 đồng, hiệu suất đồng vốn đạt 1,90.

Tuy nhiên, để dự án được thực hiện thành công cần phải khắc phục một số khó khăn sau:

- Lâu nay, tập quán canh tác của các hộ dân luôn ưu tiên sử dụng các hóa chất để phòng trừ cỏ dại và sâu bệnh hại. Bên cạnh đó, nạn phân bón giả, kém chất lượng đang hoành hành khiến cho dự lượng các kim loại nặng trong đất, nước vượt quá ngưỡng cho phép dẫn đến chất lượng sản phẩm không đảm bảo để xuất khẩu sang các thị trường có yêu cầu cao về chất lượng lạc. 

- Số hộ tham gia mô hình lớn (204 hộ/20 ha), một số ít các hộ dân còn có ý thức đối phó để hưởng lợi các nguồn đầu tư của dự án. Bên cạnh đó, do có số hộ quá lớn nên việc giám sát các khâu trong quá trình thực hiện mô hình tương đối khó khăn. Hiện tại, bên cạnh nguồn cán bộ trực tiến chỉ đạo mô hình, Khoa Nông Lâm Ngư còn phải cử sinh viên hàng tuần ra kiểm tra công tác ghi chép sổ sách và việc tuân thủ quy trình kỹ thuật. Bên cạnh đó, do số hộ lớn nên chi phí để cấp chứng nhận VietGap và cao hơn nữa là GlobalGap tương đối cao (100 – 500 triệu/giấy chứng nhận), điều này sẽ làm đội chi phí sản xuất lạc. Do đó, trong tương lai chúng ta cần hình thành mô hình tích tụ ruộng đất theo hướng Tổ hợp tác hoặc Hợp tác xã và cao hơn nữa cho giao đất lại cho các tổ chức, cá nhân để thực hiện mô hình nhằm giảm thiểu chi phí sản xuất, tăng cơ giới hóa trong các khâu sản xuất lạc nhằm giảm giá thành sản phẩm.

            - Mặc dù trước khi triển khai đã có hợp đồng 3 bên về bao tiêu sản phẩm. Tuy nhiên việc thu mua của Tập đoàn TH còn gặp nhiều khó khăn do người dân đưa ra giá cao hơn 18% so với giá thị trường mặc dù họ đã nhận được sự hỗ trợ từ 20 – 30% cho các nguyên liệu đầu vào. Do vậy, trong tương lai cần có phương án chốt giá thu mua ngay tại thời điểm trồng để các hộ dân tuân thủ điều lệ Hợp đồng.

            Một số hình ảnh tại Hội nghị:


Hình 1. Toàn cảnh Hội nghị đầu bờ tại UBND xã Diễn Thịnh


Hình 2. ThS. Cao Thị Thu Dung trình bày báo cáo tại Hội nghị


Hình 3. TS. Nguyễn Thị Thanh, đại diện Khoa Nông Lâm Ngư phát biểu tại Hội nghị


Hình 4. Các đại biểu tham quan mô hình trên đồng ruộng

Bài đưa tin: ThS. Nguyễn Tài Toàn