Ngày 25/3/2017 tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức nghiệm thu đề tài cấp Nhà nước “Khai thác và phát triển nguồn gen cá Lóc hoa (Channa maculata Lacepede), Ngạnh (Cranoglanis sinensis Peters), cá Lóc đen (Channa striata) tại khu vực Bắc Trung bộthuộc nhiệm vụ Khai thác và phát triển nguồn gen cấp Nhà nước do ThS. Nguyễn Đình Vinh làm chủ nhiệm đề tài và Trường Đại học Vinh là cơ quan chủ trì thực hiện đề tài.

         Theo quyết định số 105/QĐ-BKHCN ngày 18 tháng 01 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Khoa học công nghệ, Hội đồng nghiệm thu gồm 9 thành viên: Do TS. Lê Xân làm Chủ tịch Hội đồng; TS. Trần Đình Luân là Phó chủ tịch Hội đồng; TS. Thái Thanh Bình và PGS.TS. Nguyễn Hữu Ninh là ủy viên Phản biện; Ủy viên hội đồng gồm: TS. Kim Văn Vạn, TS. Nguyễn Việt Nam, TS. Bùi Thế Anh, PGS.TS. Nguyễn Thị Nắng Thu và TS. Trần Thị Thúy Hà.

Kết quả nghiệm thu với 9/9 thành viên của Hội đồng nhất trí thông qua với kết quả đề tài đạt 86,8 điểm, xếp loại Khá.

            Đề tài đã thu được một số kết quả sau đây:

1. Bổ sung dẫn liệu về đặc điểm sinh học và giá trị nguồn gen của cá Chuối hoa (Channa maculata Lacepede), cá Lóc đen (Channa striata Bloch), cá Ngạnh (Canoglanis sinensis Perters) ở khu vực Bắc Trung bộ;

2. Đã xây dựng được Quy trình kỹ thuật xây dựng, tuyển chọn đàn cá bố mẹ và cá hậu bị; Quy trình kỹ thuật sản xuất giống và  Quy trình kỹ thuật nuôi thương phẩm của cá Chuối hoa (Channa maculata Lacepede), cá Lóc đen (Channa striata Bloch), cá Ngạnh (Canoglanis sinensis Perters);

3. Đã xây dựng được Tiêu chuẩn cơ sở đàn cá bố mẹ và Tiêu chuẩn cơ sở đàn cá giống của cá Chuối hoa (Channa maculata Lacepede), cá Lóc đen (Channa striata Bloch), cá Ngạnh (Canoglanis sinensis Perters);

4. Đề tài đã công bố được 12 bài báo trên các tạp chí Khoa hoc, bao gồm: 05 bài trên tạp chí Khoa học Trường Đại học Vinh; 04 bài trên tạp chí Khoa học và công nghệ thủy sản; 02 bài trên tạp chí Khoa học Nông nghiệp và PTNT; 01 bài trên tạp chí Khoa học và công nghệ Việt Nam;

5. Đề tài đã xuất bản được 01 cuốn sách “Kỹ thuật sản xuất giống cá Chuối hoa”; Nhà xuất bản Đại học Vinh, 245 trang;

6. Đề tài đã góp phần đào tạo 08 Thạc sỹ ngành Nuôi trồng thủy sản (Trường Đại học Vinh) và 01 NCS chuyên ngành Động Vật học (Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật);

            7. Đề tài cũng đã góp phần đào tạo các cán bộ kỹ thuật cho Công ty CP giống nuôi trồng thủy sản Nghệ An và Khoa Nông Lâm Ngư về quy trình kỹ thuật sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá Chuối hoa (Channa maculata Lacepede), cá Lóc đen (Channa striata Bloch), cá Ngạnh (Canoglanis sinensis Perters);

            8. Đề tài đã đưa ra những luận chứng khoa học làm cơ sở cho việc bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen cá Chuối hoa (Channa maculata Lacepede), cá Lóc đen (Channa striata Bloch), cá Ngạnh (Canoglanis sinensis Perters) ở khu vực Bắc Trung bộ.

      Sau đây là một số hình ảnh:





Bài đưa tin: Ngọc Toàn