Rươi (Tylorrhynchus heterochaetus) là loài động vật không xương sống, thuộc lớp giun nhiều tơ (polycheata), sinh sống quanh năm ở lớp bùn đáy sông ruộng vùng cửa sông ven biển, phân bố ở Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Indonesia,… Ở nước ta chúng thường xuất hiện nhiều ở các tỉnh như Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, Nghệ An, Khánh Hoà, Trà Vinh, Côn Đảo,… Rươi xuất hiện khoảng 6 tháng trong năm, vào các mùa xuân hè (tháng 4-5) và thu đông (tháng 9-12), nhưng số lượng lớn chủ yếu vào tháng 9-11. Sự xuất hiện của rươi thường gắn liền với hoạt động sinh sản và liên quan đến các yếu tố như thuỷ triều, thời tiết, tuần trăng, nhiệt độ,… Kinh nghiệm cho thấy, rươi thường xuất hiện nhiều trước đỉnh triều từ 2-3 ngày, khi trời âm u và có những trận mưa rươi rả rích. Dân gian ta có câu "Tháng 9 đôi mươi, tháng 10 mùng năm" là thành ngữ nói về mùa Rươi lên hàng năm theo âm lịch. Tại Nghệ An, rươi thường xuất hiện nhiều tại vùng ven các cửa sông lạch, nhiều nhất là sông Lam và sông Mai Giang vào vụ thu đông hàng năm.
Rươi là loài phân tính riêng biệt, chúng sinh sản theo hình thức hữu tính. Ở thời kỳ sinh trưởng nếu quan sát hình thái bên ngoài thì hầu như không phân biệt được đực, cái. Nhưng vào mùa sinh sản, cơ thể chúng thay đổi màu sắc rõ rệt, lúc này có thể phân biệt đực, cái khá rõ ràng. Rươi cái thành thục cơ thể có màu xanh nhạt hay màu vàng nâu, xoang cơ thể chứa đầy trứng. Rươi đực về hình dạng tương tự rươi cái, khi thành thục cơ thể có màu phớt hồng, xoang cơ thể chứa đầy tinh dịch có màu trắng sữa.Thời kỳ thành thục, cơ thể rươi dài khoảng 7cm, chia làm hai phần, phần phía trước là phần sinh sản, phần phía sau là phần dinh dưỡng. Đến mùa sinh sản phần phía trước chứa tuyến sinh dục rất phát triển, đặc biệt là phần chân bên. Phần phía sau (tính từ đốt 57 trở về sau) biến đổi sang màu đen đối với rươi đực và màu xanh đối với rươi cái, hai bên xuất hiện những chấm trắng bạc, phần này tiêu giảm và phân huỷ trước khi rươi nổi lên di cư sinh sản. Ở phần trước cơ thể rươi, hệ tiêu hoá và hệ cơ tiêu giảm dần nhường chỗ cho các sản phẩm sinh dục, lúc này thành bụng cơ thể của rươi mỏng nên rất dễ vỡ, phóng ra các sản phẩm sinh dục làm cho nước chuyển sang màu trắng sữa đục mờ. Người dân vùng có rươi, đợi đến những ngày rươi sinh sản, nổi lên mặt nước để ra khai thác.
Cách khai thác rươi khá đa dạng, có thể vớt thủ công trực tiếp khi thấy rươi lên bằng các dụng cụ đơn giản như vợt, rổ dày,… Tuy nhiên, cách này thường bị động nên không hiệu quả lắm. Một số bà con chủ động sử dụng các loại thức ăn mà chúng ưa thích rải trên mặt nước để nhử rươi lên rồi thu hoạch. Cách này tuy khá hiệu quả, nhưng nếu sử dụng phân tươi để nhử rươi thì khi thu được sản phẩm sẽ khó đảm bảo vệ sinh trong chế biến và sử dụng. Một số nơi, người dân có kinh nghiệm “thăm rươi”, khi thấy “rươi chín” xuất hiện nhiều, bà con chủ động đào lỗ, tạo sự thay đổi môi trường từ khó khăn sang thuận lợi, tạo dòng nước chảy phù hợp để kích thích rươi lên đồng loạt rồi tiến hành vây lại để xúc hoặc dùng lưới đáy chắn cuối cống nước để thu hoạch. Đây là cách thu hoạch hiệu quả và an toàn nhất nên đang được áp dụng nhiều nơi ở nước ta.
Hiện nay, nguồn lợi rươi tự nhiên đang trở nên khan hiếm do tác động xấu của môi trường, các hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật,… Mặt khác, do áp lực khai thác quá lớn trong khi việc bảo vệ, khai thác vẫn chưa được chú trọng. Gần đây, tại một số vùng ven biển phía Bắc, người dân đã biết vận dụng việc thu giống tự nhiên vào các đầm lớn, bổ sung phân bón, tạo điều kiện thuận lợi cho rươi sinh trưởng và phát triển để thu hoạch, qua đó từng bước hình thành nghề nuôi rươi quảng canh một cách hiệu quả và bền vững. Thiết nghĩ, song song với việc bảo vệ và khai thác hợp lý thi đây là một hướng đi cần được khuyến khích phát triển để nguồn lợi rươi không bị cạn kiệt, sản phẩm từ rươi sẽ có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các thực khách yêu thích hương vị từ các món ăn rươi.
Tin đưa thêm:
Tại Hội nghị NCKH trẻ ngành thủy sản toàn quốc do Vifinet (mạng lưới các Trường và Viện nghiên cứu thủy sản Việt Nam) kết hợp với khoa Thủy sản, trường Đại học Nông Lâm Huế tổ chức tại Huế vào hồi tháng 4/2012, các nhà nghiên cứu trẻ tại khoa Nông Lâm Ngư gồm cán bộ, học viên cao học và sinh viên đã tham gia với trên 10 công trình nghiên cứu. Các kết quả nghiên đều được hội đồng đánh giá khá cao. Trong đó, công trình nghiên cứu về “Sự phát triển phôi từ quá trình thụ tinh nhân tạo và ảnh hưởng của độ mặn trong ương ấu trùng rươi (Tylorrhynchus heterochaetus) lên giai đoạn Metachophora” trình bày dưới dạng Poster của nhóm tác giả Nguyễn Thức Tuấn, Phạm Công Thảo và Nguyễn Quang Chương đã được Hội đồng đánh giá xếp giải nhất (cũng là giải duy nhất của đoàn Vinh). Đây là vinh dự cho các tác giả nhưng cũng là vinh dự chung cho thương hiệu Nông Lâm Ngư, Trường Đại học Vinh. Bài đăng đầy đủ đã được in trong Kỷ yếu của hội nghị.